Theo đà tăng giá, sốt đất khắp nơi vào cuối năm 2021, đến đầu năm 2022, nhiều người đã mạnh tay vay vốn để xuống tiền “lướt sóng” đất nền với phương châm đánh nhanh thắng nhanh. Thế nhưng đến cuối năm 2022, nhiều nhà đầu tư đã vỡ mộng khi ôm đất nền vùng ven. Tình trạng hiện nay của nhiều nhà đầu tư là chôn vốn, gồng mình trả lãi, trong khi giá đất nền trong xu hướng xuống giá.
Thực tế con số thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng giao dịch đất nền trong năm 2022 cao gấp nhiều lần lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ và lớn hơn tổng số giao dịch đất nền của cả năm 2021.
Điều này cho thấy, đất nền được giao dịch nhiều với kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận tốt trong bối cảnh thị trường khởi sắc và việc đầu tư vào đất nền nổi lên như một làn sóng giai đoạn đầu năm 2022.
Tuy nhiên, điều khiến các nhà đầu tư không lường trước là từ giữa năm 2022, các chính sách thắt chặt tín dụng đổ vào bất động sản cùng lãi suất cho vay tăng cao đã khiến thị trường xuất hiện cuộc khủng hoảng niềm tin, đảo chiều trầm lắng.
Lúc này, thanh khoản sản phẩm bất động sản sụt giảm mạnh, giao dịch trên thị trường bị chững lại, khiến không ít nhà đầu tư “vỡ mộng” khi “ôm” đất nền, đặc biệt là giới đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.
Thị trường bất động sản không duy trì được đà tăng trưởng kỳ vọng. Thị trường đảo chiều rất nhanh do chịu ảnh hưởng của các yếu tố khách quan (căng thẳng Nga – Ukraine; FED, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất), chủ quan (siết pháp lý, tín dụng bất động sản; tăng cường thanh tra chủ đầu tư bất động sản). Do đó, lượng giao dịch giảm mạnh, giá bán đi ngang hoặc giảm cục bộ tại một số khu vực.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa nhận định, năm 2022 khép lại trong không khí trầm lắng, càng gần về cuối năm thị trường xuất hiện nhiều thông tin cắt lỗ, giảm giá…
Theo chuyên gia, những khó khăn của thị trường bất động sản chắc chắn không thể giải quyết trong ngắn hạn. Vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ việc tiếp tục rót tiền, thậm chí cố gồng giữ tài sản chờ lên giá. Nếu quá nhiều rủi ro, lời khuyên là nên mạnh dạn “cắt lỗ”.
Có một thực tế là sau khi hết thời gian ân hạn, nhiều nhà đầu tư đang phải trả lãi suất vay ngân hàng lên tới 12-14%/năm, gây nên những áp lực rất lớn, không ít trường hợp phải đi vay ngoài để trả lãi, cực kỳ nguy hiểm. Để thoát được hàng, không còn cách nào khác là giá phải giảm về mức “chấp nhận được”.
“Trước sau gì cũng phải giảm, vậy nên thay vì rót thêm tiền để gồng lỗ, các nhà đầu tư bị ngộp nên mạnh tay giảm sâu hơn để cắt lỗ. Đầu tư thì có thắng có thua, vì vậy nếu cảm thấy gánh nặng quá lớn thì nên dứt khoát để thu tiền về, đợi những cơ hội sau. Việc “gồng” quá sức chỉ khiến thiệt hại càng lớn hơn”, ông Trần Khánh Quang khuyến cáo.
Thị trường bất động sản đảo chiều trầm lắng, lãi suất huy động tăng cao là những yếu tố gây nhiều áp lực với các nhà đầu tư đang dùng đòn bẩy tài chính “ôm” đất nền.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, do nhu cầu đầu tư cao, có những thời điểm sốt đất đã xảy ra rầm rộ trên quy mô toàn quốc. Đặc biệt, khi có thông tin quy hoạch, hiện tượng sốt đất càng diễn ra mạnh mẽ.
Đặc biệt trong giai đoạn đầu năm 2022, khi thị trường bước ra khỏi đại dịch COVID-19 và trên đà hồi phục, phân khúc đất nền đã “thống trị” làn sóng đầu tư khi ai ai cũng đổ xô tìm kiếm.
Đơn cử, tại tỉnh Khánh Hòa khi có thông tin quy hoạch sân bay và khu đô thị Cam Lâm thuộc huyện Cam Lâm, giá đất ở một số xã lân cận đã tăng gấp 3 – 4 lần, được đăng tin rao bán công khai trên các mạng xã hội.
Chuyên gia tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng cần dùng đòn bẩy tài chính trong việc kinh doanh hay đầu tư. Với bất động sản, đã có nhiều nhà đầu tư thành công với phương pháp này khi tính toán từng giai đoạn đầu tư hợp lý và chọn khoản vay thông minh để sinh lời.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường như hiện nay chỉ phù hợp cho những nhà đầu tư có nguồn tiền dồi dào, đầu tư vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thật chứ không phù hợp cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính đầu tư vào các phân khúc có tính đầu cơ cao.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, nhà đầu tư phải xác định thời điểm này là đầu tư từ 1-3 năm hoặc có thể là 5 năm. Chính vì vậy, nhà đầu tư phải cân đối được dòng tiền trả nợ, tránh tình trạng mất thanh khoản dẫn đến thua lỗ, phá sản.
Tổng Hợp
(Lao Động, Nhịp Sống Thị Trường)