Câu chuyện nhóm người tung tin đồn trên mạng xã hội về Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh xuất hiện vào cuối tuần qua đã khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, những đợt “bão tin đồn” về lãnh đạo một số tập đoàn lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán và tin tức bất thường dồn dập được đưa thời gian gần đây đã kéo theo những đợt sóng lớn bán tháo trên thị trường khiến nhà đầu tư mất tiền oan.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường tài chính nói chung hay thị trường chứng khoán nói riêng cực kỳ nhạy cảm. Khi xuất hiện những tin đồn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của thị trường, tác động mạnh tới những tổ chức, cá nhân hứng chịu các tin đồn này. Thậm chí cả các doanh nghiệp, ngân hàng có liên quan tới họ.
Theo ông Thịnh, thị trường chứng khoán đang có số lượng nhà đầu tư lớn, trên dưới 5 triệu tài khoản, trong đó có nhiều nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường. Việc tung tin đồn gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Thế nhưng hiện nay có thực tế là dù nhà đầu tư mất tiền nhưng không người tung tin nào bị xử lý hình sự và vẫn chưa ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho các tin đồn gây ra với nhà đầu tư.
“Tôi cho rằng, chế tài hiện nay phạt người tung tin đồn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Tôi kiến nghị tăng mức phạt và phải làm rõ về mục đích của việc tung tin đồn bao gồm: Cố tình câu view gây biến động xã hội; nói xấu, trả thù trên mạng; các nhà đầu cơ tạo sóng cho những loại chứng khoán; hoặc những mục đích để thâu tóm hay phá hoại thị trường”, ông Thịnh nói.
Trên một group chứng khoán, tài khoản Bùi Thanh Nga viết: “Chính thức từ bỏ chứng khoán vĩnh viễn, tôi chán lắm rồi, tài khoản đã âm 70%. Hãi lắm rồi”. Câu viết ngắn gọn nhưng nhận về vài ngàn lượt like vì sự đồng cảm, cho thấy tâm trạng của nhà đầu tư bị thua lỗ nặng, chán nản muốn buông bỏ và rời xa chứng khoán. Lướt các diễn đàn, đội nhóm chứng khoán là những lời than vãn, cùng nhiều bức ảnh chụp tài khoản thua lỗ 10-40%. Trong đó không ít nhà đầu tư khẳng định việc tin đồn thất thiệt là nguyên nhân góp phần khiến họ bị thua lỗ.
Từ đầu tháng 4 năm nay, thị trường chứng khoán cũng trải qua một phen chao đảo trước tin đồn về ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Gelex. Không ít nhà đầu tư mất hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng vì trót vội bán cổ phiếu khi các thông tin không được kiểm chứng xuất hiện.
Bản thân doanh nghiệp dù đã gần như ngay lập tức phải lên tiếng đính chính tin đồn nhưng cũng không đủ mạnh để nhà đầu tư yên tâm không bán tháo cổ phiếu. Không ít nhà đầu tư khóc ròng vì bị thiệt lớn do tác động của tin đồn.
Xung quanh vụ việc đưa thông tin sai sự thật về ông Phạm Nhật Vượng, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM nêu quan điểm, cơ quan chức năng đã xác định được người đưa thông tin này lên mạng xã hội song cần phải điều tra làm rõ xem ý đồ của người này là cố ý hay vô ý để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, người đăng tải thông tin trên ngoài việc có thể bị xử lý về hành chính, hình sự thì còn phải bồi thường nếu chứng minh được hành vi này gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán.
“Cần phải mạnh tay với tin giả, bởi hiện nay tin giả xuất hiện rất nhiều và thường gắn với thông tin về các sự kiện lớn gây hoang mang dư luận” – luật sư Hậu nói.
Về nguyên nhân khiến các tin đồn, tin giả vẫn có đất sống, một số ý kiến cho rằng những chế tài xử lý hiện nay vẫn còn chưa đủ sức răn đe. Nếu người đưa những thông tin giả mạo biết rõ là sai sự thật về một sự việc liên quan một người cụ thể mà vẫn tung lên mạng thì đây là hành vi vu khống. Nếu người bị vu khống có đơn đề nghị xử lý hình sự thì người đưa ra thông tin sai sự thật trong trường hợp này sẽ bị khởi tố về tội “vu khống” với mức hình phạt tới 7 năm tù và có thể phải bồi thường thiệt hại gây ra.
Tổng Hợp