Nhiều nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy những yếu tố rủi ro có thể xảy ra nên tạm thời “án binh bất động”. Nỗi lo của doanh nghiệp hiện nay không chỉ là hiệu quả kinh doanh, mà còn đến từ việc thủ tục pháp lý dự án kéo dài, giá nguyên vật liệu không ngừng leo thang, tín dụng bị siết chặt, lãi suất cho vay có xu hướng tăng trở lại…
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cũng cho hay, do các yếu tố đầu vào của bất động sản đều tăng rất cao nên doanh nghiệp khó có thể phát triển nhà ở giá rẻ, cho dù muốn. Cùng với đó, vướng mắc thủ tục pháp lý dẫn đến dự án bị kéo dài càng đẩy giá bất động sản đi lên.
Lấy dẫn chứng từ chính doanh nghiệp mình, ông Phúc cho biết, một dự án bất động sản của Phú Đông Group tại khu vực phía Nam dù đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý cũng phải mất tới 2,5 năm để hoàn thiện thủ tục hành chính. Theo tính toán, dự án chỉ cần chậm ra hàng một năm, chỉ riêng chi phí lãi vay ngân hàng đã tăng thêm 10% và số tiền này sẽ được cộng vào giá bán, cho nên giá nhà khó có thể giảm.
Sau hơn 2 năm dịch bệnh, phần lớn doanh nghiệp địa ốc đều rơi vào tình trạng khó khăn, cố gồng mình chống đỡ với hy vọng sau dịch bệnh sẽ “lấy lại những gì đã mất”. Tuy nhiên, đến nay, nỗi lo chẳng những chưa vơi mà còn dâng cao hơn, khi mà thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Trao đổi với phóng viên, tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM tỏ ra lo lắng khi cho rằng, tình hình chung quá khó đoán định nên chỉ có cách vừa đi vừa dò đường, chứ không dám mạo hiểm.
Báo cáo thị trường quý I/2022 của DKRA Vietnam cho thấy, ngoại trừ đất nền, các phân khúc căn hộ và nhà phố, biệt thự tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đều đang gặp khó, khi giao dịch thành công chỉ bằng hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, trong quý đầu năm, thị trường TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận 18 dự án căn hộ mở bán, trong đó chỉ có 2 dự án mới và 16 dự án ở giai đoạn tiếp theo. Các dự án này cung cấp ra thị trường 3.398 căn, bằng 42% quý liền trước và 62% cùng kỳ năm trước. Nguồn cung nhà ở thấp tầng còn hiếm hơn khi chỉ có 611 căn mở bán ở những khu vực này, bằng 17% quý liền trước và 31% cùng kỳ năm trước.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, việc thanh khoản thị trường sụt giảm nhanh và mạnh trước hết xuất phát từ tâm lý “phòng thủ”. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy những yếu tố rủi ro có thể xảy ra nên tạm thời “án binh bất động”.
Mặt khác, lo ngại tín dụng bị siết quá đà sẽ tác động mạnh đến thị trường, bởi trong số khách hàng mua bất động sản, không ít người được ngân hàng cho vay từ 70-80% giá trị bất động sản, việc tạm dừng giải ngân cho vay lĩnh vực này sẽ hạn chế nhà đầu tư phụ thuộc vốn tín dụng và các nhóm đầu cơ.
Thực tế, để đầu tư bất động sản, nhà đầu tư cá nhân thường dùng 3 nguồn tài chính gồm vốn tự có, vốn góp từ bạn bè, người thân và vốn vay ngân hàng – cũng là nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Do đó, việc siết tín dụng sẽ khiến nhóm dùng đòn bẩy tài chính khó huy động vốn. Theo đó, thị trường được cho là có thể sẽ “hạ nhiệt” trong thời gian tới.
Kiểm soát chặt tín dụng để hạn chế tình trạng đầu cơ, đẩy giá bất động sản là cần thiết để ổn định thị trường bất động sản. Tuy nhiên, điều gây lo ngại là nếu bị siết quá đà, trong khi vướng mắc thủ tục pháp lý dự án chưa được tháo gỡ, sẽ dễ dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp địa ốc rơi vào tình trạng “thiếu ô-xi”.
Tổng Hợp