Theo phán quyết của Tòa án nhân dân trung cấp Quảng Châu, các tài sản phong tỏa bao gồm tiền gửi ngân hàng và bất động sản. Nhiều nhà cung cấp và các nhà thầu khác cũng đã khởi kiện Evergrande vì quá hạn thanh toán
Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải (Shanghai Construction Group), một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, đã đâm đơn kiện công ty con của Evergrande ở Thành Đô vì quá hạn thanh toán chi phí xây dựng. Tập đoàn này cho biết tòa án ở Quảng Châu cũng đã phong tỏa 361,5 triệu nhân dân tệ (gần 57 triệu USD) tài sản của một đơn vị Evergrande khác ở tỉnh Giang Tô vì quá hạn các khoản thanh toán.
Như vậy, tòa án địa phương tỉnh Quảng Châu đang phong tỏa hơn 157 triệu USD giá trị tài sản của Evergrande, bao gồm tiền gửi ngân hàng và bất động sản. Nhiều nhà cung cấp và các nhà thầu khác cũng đã có các hành động pháp lý tương tự với nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới này vì chậm trễ trong việc thanh toán các khoản nợ quá hạn.
Ngày càng có nhiều công ty xây dựng và trang trí nội thất buộc phải xóa bỏ tài sản hoặc ra cảnh báo về lợi nhuận khi các khoản nợ khủng tại Evergrande và các nhà phát triển bất động sản khác gây khó khăn cho các nhà cung cấp của họ. Để các nhà chức trách giám sát và quản lý tốt hơn việc tái cấu trúc nợ của Evergrande, tất cả các vụ kiện Evergrande trên toàn nước này sẽ do tòa án nhân dân trung cấp tỉnh Quảng châu xử lý.
Về phía Evergrande, công ty này từ chối bình luận về vụ kiện của Shanghai Construction Group. Trước đó, trong một cuộc họp vào đầu tháng 2, Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn cho biết công ty đặt mục tiêu khôi phục toàn bộ hoạt động xây dựng trên khắp Trung Quốc vào tháng 2 này so với mức 93,2% vào cuối năm ngoái. Mục tiêu trong năm nay Evergrande sẽ bàn giao 600.000 căn hộ. Ông Hứa cũng cho rằng công ty cần phải xóa nợ bằng cách khôi phục hoàn toàn hoạt động xây dựng và bán hàng chứ không phải bằng cách bán bớt tài sản với giá rẻ.
Theo Bloomberg, khoản nợ xấu cho vay bất động sản đã nhấn chìm tập đoàn ngân hàng China Minsheng thành một trong những nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc.
Chịu nhiều tổn thất khi cho các nhà phát triển bất động sản như Evergrande vay, cổ phiếu của Minsheng tính đến tuần trước đã giảm 31% trong 12 tháng qua. Đây là mức giảm tồi tệ nhất trong số 155 thành viên mà chỉ số theo dõi các ngân hàng trên thế giới của Bloomberg.
Theo những người quen thuộc với hoạt động của ngân hàng này, Minsheng – ngân hàng ngoài quốc doanh đầu tiên của Trung Quốc được thành lập vào năm 1996 – đang thực hiện kiểm soát các thiệt hại. Ngân hàng này đang tái cấu trúc công ty tài chính bất động sản theo hướng trao quyền nhiều hơn cho các giám đốc chi nhánh địa phương, ưu tiên hàng đầu trong năm 2022 là giảm nợ bất động sản và có kế hoạch cắt giảm một nửa lương của nhân viên.
Tình cảnh của Minsheng cho thấy sự suy thoái ngày càng lớn khi Trung Quốc thắt chặt kiểm soát lĩnh vực bất động sản. Đây cũng là lời cảnh báo đối với các công ty tài chính toàn cầu đang đầu tư hàng tỷ USD vào Trung Quốc.
Các nhà phân tích của Citigroup ước tính, Minsheng hiện có khoảng 130 tỷ nhân dân tệ (20 tỷ USD) dư nợ ở các nhà phát triển bất động sản rủi ro cao, chiếm 27% vốn cấp 1 của ngân hàng (vốn cốt lõi, cơ bản). Đây là mức cao nhất trong số các tổ chức cho vay ở Trung Quốc.
Shen Meng, Giám đốc tại Chanson & Co, một ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết ngân hàng này sẽ phải mất nhiều năm để giải quyết nợ xấu và không loại trừ việc rót vốn từ một đối thủ mạnh hơn.
“Việc theo đuổi tăng trưởng và lợi nhuận cao cho các cổ đông tư nhân đã khiến ngân hàng này thực hiện nhiều khoản đầu tư rủi ro cao”, Shen nói.
Nói với Bloomberg, ngân hàng Minsheng cho biết họ đã hoàn tất việc tái cấu trúc đơn vị tài chính bất động sản vào cuối năm 2020, chuyển giao một số chức năng cho chi nhánh địa phương. Chủ tịch Gao Yingxin của ngân hàng này cũng cam kết sẽ giải quyết những thách thức của ngân hàng này tại cuộc họp cổ đông vào tháng 6 tới.
Tổng Hợp