Kể từ giai đoạn giáp Tết Nguyên Đán năm ngoái, thị trường bất động sản (BĐS) tại nhiều địa phương sôi động trở lại với lượng lớn khách đến tìm hiểu và mua bán đất đai. Cùng với đó, sàn giao dịch BĐS xuất hiện khắp nơi, rất nhiều người không có chuyên môn cũng tham gia làm nghề môi giới và gây nhiều hệ lụy cho thị trường.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), sốt ảo giá đất và đầu cơ đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường ngay những tháng đầu năm. Do vậy, ông Châu cho rằng các địa phương cần quan tâm xử lý quyết liệt và kịp thời các đầu nậu, cò đất,… để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến thị trường BĐS.
Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã tiến hành rà soát và ra văn bản chỉ đạo siết chặt công tác quản lý hoạt động kinh doanh BĐS. Đồng thời, công an địa phương cũng tiến hành vào cuộc điều tra các đối tượng làm nhiễu loạn thị trường.
Theo nhận định của bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, “các khu vực có quy hoạch hoặc cơ sở hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện thường là cơ sở để giá đất tăng.Còn các khu vực ăn theo hoặc chỉ tăng giá dựa trên thông tin chung thì không nên được nhìn nhận là nguyên nhân thật sự dẫn đến hiện tượng tăng giá đất. Sự tăng giá này chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực. Việc mua đi bán lại không đem lại kết quả cuối cùng, hoạt động mua đi bán lại diễn ra lúc chờ tăng giá như vậy sẽ không phản ánh được nhu cầu thực chất của thị trường và rồi sẽ bị dừng lại, như những gì đã diễn ra trước đây”.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội (như zalo, facebook,…) xuất hiện tình trạng một số tài khoản cá nhân, nhóm người tự phát đăng nhiều nội dung quảng cáo nhận làm các dịch vụ đất đai cho người dân như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở để thu lợi bất hợp pháp.
Trong khi đó, quy định của pháp luật đất đai, nhất là các điều kiện pháp lý để đảm bảo thực hiện thủ tục hành chính chưa đầy đủ hoặc không cho phép.
Điều này dẫn đến tình trạng người dân “tiền mất, tật mang”, gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội, nhất là ở các vùng nông thôn của TP Đà Nẵng, trong đó có địa bàn huyện Hòa Vang.
Như trong tháng đầu năm, Đắk Lắk có hiện tượng sốt đất và lượng hồ sơ giao dịch đất đai tăng đột biến, người dân phải có mặt tại Bộ phận một cửa từ tờ mờ sáng để kịp làm thủ tục.
UBND tỉnh Đắk Lắk sau đó đã ra văn bản giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an địa phương rà soát, xử lý nghiêm tổ chức môi giới, người mua bán BĐS, cá nhân sử dụng file số dự thảo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của các huyện, thị xã, thành phố để tung tin đồn, đầu cơ nhằm đẩy giá đất lên cao, tạo bong bóng thị trường.
Tại Đồng Nai, báo địa phương thông tin việc lực lượng môi giới nghiệp dư xuất hiện rầm rộ khiến giá đất khắp nơi bị thổi lên rất cao so với giá trị thực, tạo ra nhưng cơn sốt ảo, làm ảnh hưởng đến công trình, dự án đang triển khai tại địa phương. Ví dụ như đất nông nghiệp ở huyện Cẩm Mỹ đã bị thổi giá lên 7-15 tỷ đồng/ha.
Tại Hội nghị đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn, cho biết, thời gian qua tại địa phương có hiện tượng “cò mồi” đẩy giá làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Nhiều khu vực có thông tin quy hoạch dự án tại Quảng Nam trong thời gian qua cũng có hiện tượng thổi giá làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường và đang có dấu hiệu đầu cơ mua đi bán lại BĐS gây sốt ảo, theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam.
Tương tự ở Vĩnh Phúc, tại các khu vực có quy hoạch xây dựng, dự kiến thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp cũng có dấu hiệu hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại đất đai, bất động sản gây “sốt ảo” trên thị trường.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra chỉ thị giao Công an tỉnh theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, sốt ảo và điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, thổi giá để kiếm lời, làm bất ổn thị trường.
Tổng Hợp