Áp lực này có thể sẽ khiến nhiều ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021, nhiều khả năng sẽ tăng 0,25 – 0,5%/năm.
Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động VND trong năm 2022 có thể tăng 20 – 30 điểm phần trăm/năm, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp. Cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ xu hướng nới lỏng của chính sách tiền tệ, thanh khoản VND được dự báo sẽ duy trì trạng thái tích cực nhờ động lực chính là dòng vốn ngoại tệ dồi dào.
Cụ thể, cán cân thanh toán tổng thể dự kiến tiếp tục thặng dư ở mức cao khoảng 11 – 12 tỷ USD trong năm 2022, góp phần bổ sung nguồn vốn ngoại tệ dồi dào cho Ngân hàng Nhà nước mua vào, qua đó gia tăng nguồn cung VND cho hệ thống ngân hàng thương mại với khối lượng khoảng 240.000 – 270.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số nút thắt đối với dòng chảy VND khó có thể được khơi thông hoàn toàn trong năm nay, như sự phân hóa không đồng đều về thanh khoản giữa các ngân hàng thương mại, hay giải ngân đầu tư công gặp khó khăn khiến dòng tiền bị ứ đọng ở kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước, thay vì được bơm ra nền kinh tế. Ngoài ra, cân đối huy động vốn – tín dụng dự kiến chưa có nhiều cải thiện do hoạt động tín dụng được kỳ vọng sẽ tiếp tục sôi động và bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022, nhờ nhu cầu vay gia tăng cùng với đà phục hồi của nền kinh tế và các chính sách kích thích hỗ trợ tín dụng của cơ quan quản lý.
“Dự báo, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 13 – 14% trong năm nay và cao hơn so với tăng trưởng huy động vốn khoảng 1 – 2%. Đây là yếu tố chính khiến lãi suất thị trường 1 có thể chịu áp lực tăng nhẹ trong năm 2022, sau khi đã chứng kiến xu hướng giảm trong 2 năm trước đó”, vị lãnh đạo BIDV nhận định. Yếu tố rủi ro lớn nhất cần quan sát đối với triển vọng lãi suất trong năm 2022 được lãnh đạo BIDV khuyến cáo là cân đối thu – chi ngân sách nhà nước. Nếu cân đối ngân sách nhà nước thặng dư ở mức cao trong phần lớn thời gian như các năm gần đây thì dòng tiền sẽ tiếp tục bị hút mạnh về kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước, qua đó áp lực tăng đối với lãi suất mạnh lên.
Lãi suất huy động trung bình tiếp tục có diễn biến tăng nhẹ trong tháng đầu tiên của năm 2022 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Theo đó, trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng tăng 0,03 và 0,002 điểm phần trăm, lên mức 4,79%/năm và 5,552%/năm vào cuối tháng 1. Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2021, lãi suất trung bình hiện thấp hơn lần lượt 0,13 và 0,12 điểm phần trăm.
Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối tiếp tục không điều chỉnh lãi suất trong tháng 1/2022. Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng được duy trì ở mức 3,775%/năm trong tháng thứ 8 liên tiếp, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giữ nguyên ở mức 4,95%/năm sau 6 tháng.
Trong khi đó, lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ (vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng) có diễn biến trái chiều. Nhóm ngân hàng quy mô nhỏ giảm 0,04 điểm phần trăm đối với lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng, xuống 4,44%/năm, trong khi tăng 0,003 điểm phần trăm với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, lên 6,058%/năm. Ngược lại, ngân hàng quy mô lớn tăng 0,09 điểm phần trăm, lên 4,79%/năm đối với lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng, nhưng giảm 0,002 điểm phần lãi suất huy động đối với kỳ hạn 12 tháng, xuống 5,307%/năm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tháng 1/2022 tăng 1,94% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức lạm phát tháng 1 thấp nhất kể từ năm 2017, ngoại trừ năm 2021. Yếu tố này được các lãnh đạo ngân hàng nhận định sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho các tháng tiếp theo nhằm kích thích kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, trong thời gian tới, dự báo áp lực lạm phát sẽ cao hơn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu có dấu hiệu tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu, cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế.
Kinh tế phục hồi sẽ mở ra cho các ngân hàng nhiều dư địa tăng trưởng, trong đó mảng tăng trưởng đột phá được nhiều ngân hàng kỳ vọng là tín dụng bán lẻ. Đây cũng là “trận địa” mà các ngân hàng đang cạnh tranh quyết liệt. Thẻ, cho vay mua nhà, cho vay mua ô tô, cho vay tiêu dùng, bảo hiểm… đang được các ngân hàng chạy đua cạnh tranh ráo riết.
Tổng Hợp