Phần lớn lãnh đạo các ngân hàng, công ty bảo hiểm từng thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân chính gây nên lùm xùm tại kênh bancassurance thời gian qua là do thiếu kiến thức cơ bản về bảo hiểm, nên nếu được đào tạo bài bản sẽ hạn chế đáng kể tình trạng đổ vỡ.
Ngân hàng sốt sắng đào tạo bán bảo hiểm, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh công tác đào tạo bán bảo hiểm cho nhân viên của mình.
Cuối tháng 8/2023, theo đơn đặt hàng của Bảo hiểm MAP – công ty bảo hiểm liên kết với VietABank, nhiều nhân sự của ngân hàng này đã tham gia 2 chương trình đào tạo dành cho cấp quản lý tầm trung và tốp sellers (bankers xuất sắc trong mảng bancassurance) tại TP.HCM.
Tại LPBank, từ tháng 4/2023 đến nay, ngân hàng này đã phối hợp với Bảo hiểm Xuân Thành cử 3.000 nhân sự trực tiếp bán bảo hiểm tham gia học tập tại Viện Phát triển nguồn nhân lực bảo hiểm (HDI Institute) nhằm nâng cao chuyên môn và thi lấy chứng chỉ về bảo hiểm của Bộ Tài chính.
Đại diện HDI Institute cho biết, ngoài LPBank, còn có 2 ngân hàng lớn đã mời chuyên gia của viện này về đào tạo cho bộ phận lãnh đạo, quản lý chủ chốt kênh bancassurance.
Một số ngân hàng cũng đã cử nhân viên tham gia các khóa đào tạo bán bảo hiểm tại những cơ sở có chức năng đào tạo về bảo hiểm khác như Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM).
Trước đây, việc đào tạo bán bảo hiểm thường dành cho đại lý của các công ty bảo hiểm là chủ yếu, trong khi giảng dạy cho các nhân viên, cán bộ ngân hàng ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ngân hàng đã chú trọng hơn công tác này, nhất là sau những lùm xùm liên quan tới kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua. Trong đó, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, chú trọng phát triển kênh bancassurance thường bắt tay đào tạo sớm hơn.
Đơn cử, năm 2021, ACB đã mời nhiều chuyên gia về đào tạo cho nhân viên Ngân hàng với yêu cầu đảm bảo tư vấn bảo hiểm “đúng và đủ”. Trước đó, năm 2020, Techcombank gây chú ý với tuyên bố tự đào tạo gần 4.000 nhân viên của mình để tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm (thay vì sử dụng tư vấn của công ty bảo hiểm). Một số nhà băng khác từng có động thái tương tự.
Theo các chuyên gia, khi mở lớp đào tạo, ngân hàng và công ty bảo hiểm thường đặt mục tiêu tương tự nhau, đó là đảm bảo hiểu đúng về giá trị, ý nghĩa của bảo hiểm, giá trị nghề nghiệp, cách tiếp cận đúng với khách hàng, làm sao để có kỹ năng tư vấn chuyên nghiệp…, từ đó đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch First Step – công ty chuyên về huấn luyện đội ngũ kinh doanh, tư vấn doanh nghiệp cho biết, tư duy của người quản lý là yếu tố rất quan trọng, bởi cho dù đào tạo nhân viên nhiều bao nhiêu mà lãnh đạo không ủng hộ, không đặt trọng tâm vào việc tư vấn bảo hiểm đúng đắn cho khách hàng, không để tâm đến sự nguy hại của việc “ép” khách hàng tham gia bảo hiểm… thì việc đào tạo sẽ không có tác dụng.
“Để chương trình đào tạo đảm bảo hiệu quả, các ngân hàng cần tập trung đào tạo đội ngũ lãnh đạo trước khi triển khai ở cấp nhân viên”, ông Thắng nhấn mạnh.
Động thái sốt sắng đào tạo bán bảo hiểm từ các ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục niềm tin của khách hàng dành cho bảo hiểm vốn suy giảm mạnh sau những lùm xùm thời gian qua. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn khôi phục niềm tin vào bảo hiểm thì không chỉ bằng lời nói, mà phải bằng hành động, mà cụ thể nhất là nghiêm túc học hỏi những điều cơ bản nhất về giá trị cơ bản của bảo hiểm, tạo niềm tin và hiểu biết đúng trong chính mỗi nhân viên ngân hàng, từ đó mới lan tỏa được cho khách hàng.
Phần lớn lãnh đạo các ngân hàng, công ty bảo hiểm từng thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân chính gây nên lùm xùm tại kênh bancassurance thời gian qua là do thiếu kiến thức cơ bản về bảo hiểm, nên nếu được đào tạo bài bản sẽ hạn chế đáng kể tình trạng đổ vỡ.
Tổng Hợp
(ĐTCK)