Có tới gần 400 bất động sản là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ vay được VietinBank rao bán để thu hồi nợ là thông tin gây chú ý thời gian gần đây, trong đó phần lớn là các nhà hàng, khách sạn, resort… ở nhiều điểm đến du lịch.
Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngân hàng này rao bán khoảng 35 tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và biệt thự, nhà hàng, khách sạn 3-4 sao trị giá từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng.
Thanh lý, phát mại tài sản bảo đảm là bất động sản là hoạt động thường thấy của các ngân hàng, nhưng chưa bao giờ nhiều như hiện tại. Các ngân hàng sau khi đã thực hiện tất cả các giải pháp hỗ trợ khách hàng, từ giảm lãi suất đến cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, nhưng tình hình vẫn không “khá khẩm” hơn là bao, mới “cực chẳng đã” phải bán thanh lý để thu hồi nợ vay.
Không chỉ VietinBank, nhiều ngân hàng khác như Sacombank, BIDV, Agribank… thời gian qua cũng liên tục công bố phát mại hàng chục bất động sản giá trị lớn nhằm mục đích thu hồi nợ. Ngoài các tài sản là bất động sản, danh mục nợ cần xử lý tại các ngân hàng còn là hàng nghìn khoản vay phục vụ đời sống như vay mua ô tô, sửa chữa nhà, vay tiêu dùng cá nhân… nhưng không có khả năng chi trả của người vay với giá trị từ vài triệu đến cả tỷ đồng.
Để hỗ trợ, từ tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó giúp người vay có điều kiện tiếp cận các khoản vay mới để phục vụ sản xuất – kinh doanh, qua đó thanh toán các khoản nợ cũ, song các khoản nợ xấu dường như vẫn tăng lên.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), vấn đề lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là khả năng hấp thụ vốn rất kém, nên dù lãi suất có giảm thêm cũng chưa chắc có nhu cầu vay, dẫn đến các khoản nợ sau thời gian cơ cấu lại vẫn chuyển thành nợ xấu và phải tiến hành xử lý.
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, GDP quý II/2023 tăng trưởng 4,14% – cao hơn mức tăng 3,32% của quý trước đó phần nào cho thấy tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế, thế nhưng tình hình chung vẫn rất khó khăn, nhất là với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản – du lịch – nghỉ dưỡng.
Theo ông chủ một resort từ Hà Giang cho biết, ông vừa lặn lội vào tận Quảng Nam săn lùng và tìm mua được một khách sạn 4 sao với giá giảm tới gần 40% so với trước dịch và còn nhiều resort, khách sạn, nhà hàng khác cũng đang được rao bán với giá giảm sâu tại Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Hội An (Quảng Nam), Hạ Long (Quảng Ninh)…, trong đó không ít tài sản là của những người thân quen với ông.
“Họ muốn thanh lý tài sản bằng mọi cách để thu hồi vốn, giảm sức ép nợ vay… mà chưa được do sức cầu thị trường còn yếu”, ông này nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, khó khăn của nhiều doanh nghiệp, chủ khách sạn, nhà hàng hiện tại là điều đã được báo trước từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Trung Quốc, thì bất ổn chính trị ở Đông Âu nổ ra như giáng thêm một đòn chí mạng vào ngành du lịch Việt Nam khi đây vốn là 2 thị trường quan trọng bậc nhất. Lúc này, du lịch nội địa được xem như là “cứu cánh”, song cũng chỉ bùng lên thời gian ngắn trong năm 2022 rồi lịm dần. Bước sang năm 2023, nguồn thu nhập của đại bộ phận người dân giảm sút, nên việc thắt chặt chi tiêu là điều khó tránh và nhu cầu du lịch thường bị cắt giảm đầu tiên.
“Khi việc kinh doanh khó khăn kéo dài, tất yếu dẫn đến việc nhiều nhà hàng, khách sạn, resort, homestay… là tài sản thế chấp bị thanh lý để giảm sức ép tài chính cho chủ tài sản cũng như ngân hàng”, ông Đính phân tích.
Tổng Hợp
(ĐTCK)