Sau động thái tăng 1% các mức lãi suất điều hành và nâng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng (áp dụng với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng). Nhiều khách hàng vay tiền mua nhà với lãi suất thả nổi cộng biên độ đang thấp thỏm với sóng tăng lãi suất của các ngân hàng …
Trong 2 năm cao điểm Covid-19, khi lãi suất giảm xuống mức thấp, các khách hàng cá nhân đã tăng cường vay vốn mua nhà, tuy nhiên xu hướng này đang chùng xuống. Từ tháng 8/2022, nhiều khách hàng phản ánh tới Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết đã nhận được thông báo lãi suất thả nổi tăng mạnh. Từ mức 9-10%/năm, nhiều khách hàng cá nhân được nhân viên ngân hàng thông báo tăng lên mức 12-14%/năm khi chi phí vốn của ngân hàng tăng và room tín dụng cạn.
Cạn kiệt dòng tiền và chi phí vốn dần tăng đang là mối lo lớn nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản. Những tưởng động thái Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho các ngân hàng vừa rồi sẽ giúp tín dụng địa ốc “dễ thở” hơn, nhưng vì hạn mức cấp thêm không nhiều và tiếp tục hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro, bao gồm cả bất động sản, nên doanh nghiệp địa ốc vẫn trong cơn khát tiền.
So với các ngân hàng trong nước, lãi suất cho cá nhân vay mua nhà tại các nhà băng nước ngoài có phần cạnh tranh hơn do có nguồn vốn từ tập đoàn mẹ rót vào với giá rẻ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhóm này cũng khó tránh được làn sóng tăng lãi suất đầu ra đối với phân khúc tín dụng mua nhà.
Chuyên gia đầu tư bất động sản Rich Nguyễn, nhà sáng lập và điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Rich Invest nhận định rằng, tín dụng cá nhân, nhất là cho vay cá nhân mua nhà và các khoản tín dụng tiêu dùng được sử dụng cho mục đích mua, sửa chữa nhà cửa chính là một trong những động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong 2 năm dịch bệnh vừa qua. Nói cách khác, trong giai đoạn hoạt động sản xuất – kinh doanh gần như đóng băng vì Covid-19, mảng cho vay mua bất động sản đã “cứu” lợi nhuận nhiều ngân hàng.
Ngược lại, lãi suất cho vay mua nhà rẻ chưa từng có, thậm chí có ngân hàng từng cho vay với mức lãi suất cố định dưới 4%/năm, trong giai đoạn 2020-2021 cũng hấp dẫn lượng lớn khách hàng ký hợp đồng vay vốn mua nhà. Tác động qua lại này khiến không chỉ các ngân hàng giữ được biên lợi nhuận ở mức cao mà các chủ đầu tư bất động sản cũng “tươi tỉnh” hơn do sức cầu nhà ở được duy trì ngay trong cao điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, kỷ nguyên vốn rẻ đã chấm dứt.
Báo cáo phân tích mới nhất về thị trường địa ốc của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho thấy xu hướng này khi đưa ra dự báo, các doanh nghiệp phát triển nhà ở thương mại sẽ vấp phải nhiều sóng gió trong giai đoạn tới khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt dòng tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT.
VNDirect nhận định, lãi suất huy động có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm 2022. Đồng thời, lãi suất cho vay thế chấp của các ngân hàng tư nhân có thể tăng lên mức 10-10,5%/năm vào cuối năm nay. Nếu kịch bản này diễn ra, sản phẩm cho vay mua bất động sản của ngân hàng cũng sẽ chịu áp lực tăng lãi suất, tác động trực tiếp đến khách hàng vay vốn. Ngoài ra, các dự án bất động sản cũng sẽ bị ảnh hưởng, vì nếu phải vay với lãi suất cao hơn, chủ đầu tư các dự án sẽ buộc phải điều chỉnh giá bán.
Nghiên cứu từ FiinGroup cho thấy, mặc dù hệ số khả năng thanh toán lãi vay (ICR) của toàn khối phi tài chính cũng như hầu hết các ngành hiện ở mức khá an toàn (4x), nhưng vẫn có một số ngành và doanh nghiệp có thể gặp áp lực về chi phí lãi vay trong thời gian tới do triển vọng lợi nhuận kém tích cực khi tốc độ bán hàng chững lại (đối với ngành bất động sản nhà ở) và tác động cộng hưởng từ chi phí nguyên vật liệu tăng cao, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu (đối với ngành xây dựng).
Tuy nhiên, có một điểm sáng mở lối cho các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn, theo đánh giá của FiinGroup, là qua nhiều tháng chờ đợi, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ đã được chính thức ban hành. Với nhiều quy định mới rõ ràng hơn, Nghị định 65/2022 được kỳ vọng sẽ góp phần gỡ khó cho các nhà phát hành và khai thông dòng vốn từ kênh huy động này.
Tổng Hợp