Thị trường bất động sản được giới chuyên gia và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành đánh giá đã qua giai đoạn căng thẳng nhất nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều, được phản ánh phần nào vào bức tranh kết quả kinh doanh.
Những ngày đầu tiên của quý cuối năm 2023, hàng loạt dự án quy mô lớn trên khắp cả nước bắt đầu triển khai chiến dịch bán hàng, tạo nguồn cung, thúc đẩy giao dịch cho thị trường bất động sản. Trong đó, doanh nghiệp sở hữu các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng “bung hàng” sau thời gian dài quan sát, chờ đợi là dấu hiệu tích cực thể hiện tiến trình phục hồi khả quan của thị trường trong thời gian tới.
Theo thông tin ghi nhận từ Tổ công tác Nghiên cứu thị trường Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) trên cả nước, các dự án mới mở bán mới đều được quan tâm, ghi nhận lượng booking với các chính sách bán hàng hấp dẫn.
Bên cạnh thị trường bất động sản sơ cấp, thị trường thứ cấp cũng ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực với nhiều hơn các phân khúc, khu vực có dấu hiệu “vượt đáy”.
Nếu như trước đó, giao dịch thứ cấp chỉ xuất hiện chủ yếu ở phân khúc đất nền, nhà trong dân tầm giá dưới 3 tỷ đồng thì gần đây, trước những thông tin tích cực hơn từ thị trường, lực cầu được cải thiện.
Thống kê của Wichart.vn cho thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM ghi nhận khoảng 14.860 tỷ đồng trong quý III/2023, tăng 11% so với quý liền trước nhưng giảm gần 29% so với cùng kỳ.
Trong đó, dẫn đầu lợi nhuận ngành là là CTCP Vinhomes (Mã: VHM) với hơn 10.694 tỷ đồng, được đóng góp chính từ bàn giao 2.400 căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 3 (The Crown). Tuy nhiên, kết quả này giảm 26% do ở cùng kỳ doanh nghiệp có thêm khoản thu nhập 9.000 tỷ từ chuyển nhượng đầu tư.
Những doanh nghiệp có lãi còn lại đều chỉ dừng lại ở con số từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng, đa số đều sụt giảm so với cùng kỳ và có 10 doanh nghiệp báo lỗ.
Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý vừa qua đều đến từ ghi nhận bàn giao các dự án trong quá khứ. Một số doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng nhưng đồng thời các khoản phải thu cũng tăng mạnh. Cùng với tồn kho tiếp tục tăng (bao gồm chi phí xây dựng dở dang và bất động sản thành phẩm) dẫn đến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ghi nhận âm trong kỳ.
Với nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, bức tranh lợi nhuận có sự phân hóa rõ rệt. Thống kê kết quả kinh doanh của 11 doanh nghiệp cho thấy, có 6 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng trong quý III, gồm: Viglacera, Sonadezi, Đầu tư Sài Gòn VRG, Tín Nghĩa, Nam Tân Uyên, Tân Tạo. Riêng Nam Tân Uyên và Tín Nghĩa có lợi nhuận tăng trưởng không phải nhờ mảng kinh doanh cốt lõi (cho thuê đất) mà nhờ hoạt động tài chính và bất động sản dân dụng.
Lợi nhuận của Kinh Bắc, IDICO, Becamex IDC, Long Hậu đều sụt giảm trong quý III với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, lợi nhuận Kinh Bắc giảm mạnh do không còn khoản lãi nghìn tỷ từ công ty liên doanh, liên kết và chưa kịp bàn giao đất cho khách hàng tại các khu công nghiệp.
Lợi nhuận IDICO sụt giảm chủ yếu do các hợp đồng cho thuê hạ tầng KCN chưa đến thời điểm đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần theo quy định. Tương tự, lợi nhuận của Long Hậu cũng ghi nhận sụt giảm mạnh do không ghi nhận doanh thu từ hoạt động cho thuê đất.
Với nhóm doanh nghiệp có hoạt động chủ lực ở mảng môi giới bất động sản, lợi nhuận quý III tiếp tục giảm mạnh. Trong đó, CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, Mã: CRE) quý III ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 147 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 564 triệu đồng, giảm lần lượt 80% và 98% so với cùng kỳ năm trước.
Nói về nguyên nhân, doanh nghiệp cho biết, thị trường bất động sản trong quý III tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn và các yếu tố không thuận lợi xuất hiện từ năm 2022. Mặc dù thị trường đã có sự cải thiện về lượng giao dịch so với đầu năm 2023 nhưng vẫn chưa có thay đổi đáng kể và chưa sôi động.
CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services, Mã: DXS) đạt gần 510 tỷ đồng doanh thu thuần quý III, giảm 52% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 25 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp cho biết do tình hình khó khăn chung ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản. Điều này dẫn đến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh. Theo đó, mảng dịch vụ môi giới bất động sản giảm 71%, còn 154 tỷ đồng; doanh thu từ việc bán căn hộ, nhà phố và đất nền giảm 36%, còn gần 312 tỷ đồng.
Quý III, doanh thu thuần hợp nhất của CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land (Mã: KHG) đạt 77 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là doanh thu môi giới bất động sản sụt giảm tới 91%, chỉ đạt 19 tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế công ty đạt hơn 12 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.
Trong khi đó, CTCP Tập Đoàn Danh Khôi (Mã: NRC) không phát sinh hoạt động đầu tư và bán hàng. Doanh thu thuần rơi về mức đáy 6 năm khi đạt hơn 1 tỷ đồng. Doanh nghiệp lỗ thuần hơn 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi thuần gần 83 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ khoản thu nhập hơn 42 tỷ đồng từ bồi thường hợp đồng mà Danh Khôi lãi ròng gần 18 tỷ đồng trong quý, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng Hợp