Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 8/2023, mới có 2.100 khách hàng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt gần 781 tỷ đồng, tức chưa đầy 2%. Nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện đã từ chối làm thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này.
Về nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lãi suất giải ngân chậm, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc đề xuất, xây dựng chính sách chưa sát thực tế, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ chỉ ra loạt nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% (40.000 tỷ đồng) giải ngân chậm. Nguyên nhân đầu tiên là khách hàng đủ điều kiện, nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách, chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất (phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Nhiều khách hàng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất do số tiền này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông.
Ngoài ra, ngân hàng gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện “có khả năng phục hồi” do thiếu tiêu chí cụ thể. Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên, không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng hỗ trợ.
Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khá mạnh thời gian qua và ngân hàng tung ra nhiều gói cho vay ưu đãi với thủ tục đơn giản, nên doanh nghiệp cũng không có nhu cầu tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất.
Về phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Sáng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức Toàn cho rằng, điều doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất hiện nay là xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm. Tất nhiên, với các gói tín dụng ưu đãi, thủ tục càng đơn giản hóa càng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Các chính sách hỗ trợ lãi suất thời gian qua là rất hữu ích, song cần thực chất hơn nữa”, đại diện Công ty Đức Toàn kiến nghị.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, mời doanh nghiệp đến để hỗ trợ lãi suất, song doanh nghiệp từ chối và bảo “nhường” cho doanh nghiệp khác, thực tế là lo sợ thanh kiểm tra, ngại thủ tục.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH JFT Việt Nam (Lâm Đồng) cho hay, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp e ngại gói hỗ trợ lãi suất là sợ thủ tục, đặc biệt là sợ rủi ro pháp lý, sợ bị thanh kiểm tra khi tiếp cận gói tín dụng này.
Công ty TNHH MTV Đức Toàn (Đăk Nông) cũng cho biết, việc tiếp cận gói lãi suất ưu đãi đòi hỏi thủ tục phức tạp, như báo cáo tài chính, hợp đồng kinh tế, hóa đơn đặt hàng, phiếu nhập – xuất kho, hóa đơn chuyển tiền… không phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Hầu hết doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp gia đình, cơ cấu gọn nhẹ, không qua máy móc theo dõi hàng tháng, hoặc không có hóa đơn, người dân vùng nông thôn vẫn có thói quen thanh toán tiền mặt. Muốn có báo cáo, hợp đồng, hóa đơn chuẩn chỉnh… thì sẽ phát sinh chi phí thuê kế toán, làm giảm thu nhập doanh nghiệp”, đại diện công ty này cho biết.
Một doanh nghiệp khác tại Hà Nội cũng cho hay, điều doanh nghiệp lo ngại nhất khi tiếp cận các gói hỗ trợ lãi suất là “lo cái sảy nảy cái ung”, từ việc thanh tra gói hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp sẽ bị thanh tra thuế hoặc thanh tra các hoạt động khác. Trong khi đó, lãi suất cho vay hiện đã dễ thở hơn, nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay gói tín dụng hỗ trợ lãi suất.
Tổng Hợp
(ĐTCK)