Sau khi cắt hạ hàng loạt thông, các đối tượng đã dùng máy múc mở đường, tạo ranh để chiếm đất lâm nghiệp. Nhiều diện tích rừng bị cưa hạ, đất lâm nghiệp bị san gạt, lấn chiếm tại Lâm Đồng.
Liên tiếp có các vụ phá rừng tại tỉnh Lâm Đồng, ngày 31/3, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương, các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, các công ty nông, lâm nghiệp, các cá nhân trong công tác quản lý rừng và đất rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tại tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, và người đứng đầu các đơn vị chủ rừng tăng cường tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ phá rừng mang tính chất phức tạp, nổi cộm trên địa bàn.
Tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để tổ chức trồng rừng trong mùa mưa năm 2022.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cũng đã giao Công an tỉnh chỉ đạo rà soát, xử lý triệt để các băng nhóm, đối tượng phá rừng trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động tuần tra, truy quét các điểm nóng, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng theo quy định.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, liên tiếp ghi nhận các vụ phá rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các vụ phá rừng chủ yếu xảy ra tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm và TP.Đà Lạt, nơi có giá đất ngày một tăng cao. Đặc biệt, các đối tượng cưa hạ cây rừng chủ yếu để chiếm đất lâm nghiệp.