Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa hết trầm lắng, nhiều địa phương đã vào cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử, chiều ngày 17/5, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ trì Hội nghị công bố Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (viết tắt là Tổ công tác) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư.
Theo đó, Tổ công tác gồm 10 thành viên, do ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó; lãnh đạo các Sở: Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Cục Thuế tỉnh, Thanh tra tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mai, du lịch tỉnh làm thành viên.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá triển khai thực hiện các dự án; giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ, đề xuất khó khăn, thúc đẩy triển khai dự án; rà soát, tổng hợp những khó khăn vượt thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương để tháo gỡ,…
Định kỳ hàng tháng hoặc trong trường họp cần thiết, Tổ công tác sẽ có báo cáo tổng hợp, nêu rõ tiến độ thực hiện, hướng xử lý các vụ việc nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ngày 16/5, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tổ công tác sẽ rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền.
Tổ công tác còn có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các nội dung vượt thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Định kỳ hằng quý, Tổ công tác có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương báo cáo các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, tham mưu cho tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Ngày 15/5, Tổ công tác với mục đích như trên cũng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng thành lập. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp làm tổ trưởng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tôn Thiện San làm tổ phó. Ngoài ra, tổ công tác có 33 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư. Cùng với đó, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó là hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng đầu tư trên địa bàn,…
Trước đó, hồi đầu tháng 5, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh,…
Thông tin từ Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đến nay bước đầu Tổ công tác của Chính phủ đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản.
Cụ thể, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương, rà soát các dự án tại TP HCM là 180 dự án, Hà Nội 170 dự án, Đà Nẵng 75 dự án, Hải Phòng 65 dự án, TP Cần Thơ 79 dự án.
Ngoài ra, Tổ đã nhận được 71 văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp liên quan đến 121 dự án bất động sản. Tổ công tác đã sàng lọc và có văn bản gửi các địa phương những dự án thuộc nội dung tháo gỡ thuộc thẩm quyền của địa phương, cũng như gửi Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT liên quan đến các nội dung vướng mắc về lĩnh vực đầu tư, đất đai.
Đây là cơ sở để các địa phương cũng như bộ ngành tập trung hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ ngay từng dự án. Các địa phương đang tích cực triển khai rà soát, tháo gỡ để thúc đẩy các dự án này sớm triển khai trở lại trong thời gian tới.
Về kết quả tại một số địa phương, ông Sinh cho biết, thời gian vừa qua, bên cạnh hoạt động chung, Tổ công tác đã làm việc với TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận và một số địa phương khác.
Trước hết, đối với TPHCM, Tổ công tác đang rà soát để tháo gỡ 30 dự án cụ thể. Trên cơ sở rà soát nổi lên 30 nội dung vướng mắc.
Sau khi trao đổi, 30 vướng mắc này cơ bản đã rõ, trong đó có 10 nội dung liên quan đến nhà ở xã hội, 10 nội dung liên quan đến cải tạo chung cư cũ, 4 nội dung liên quan đến quy hoạch và 3 nội dung liên quan đến đầu tư và đấu thầu, 2 nội dung liên quan đến đất đai.
Đối với Đồng Nai, Tổ công tác cũng làm việc trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ban ngành và các doanh nghiệp có liên quan. Qua làm việc, rà soát có 7 dự án liên quan đến các tập đoàn lớn như Novaland, Hưng Thịnh, DIC Corp.
“Chúng tôi nhận diện khó khăn vướng mắc thứ nhất liên quan đến nội dung về quy hoạch, sự không phù hợp giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết và các dự án. Về vấn đề này, chúng tôi đã thống nhất cùng UBND tỉnh và các doanh nghiệp để tháo gỡ”, ông Sinh nói.
Ngày 4/5, UBND tỉnh này đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét chấp thuận chủ trương cho UBND tỉnh lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Biên Hòa.
Một vấn đề khó nữa theo đại diện Bộ Xây dựng đó là việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Sau khi rà soát lại, hiện nay các quy định để dành quỹ đất nhà ở xã hội có từng giai đoạn, ví dụ giai đoạn từ 2006 – 2010 có Nghị định 90 của Chính phủ; giai đoạn 2010 – 2013 có Nghị định 71; giai đoạn 2013 – 2015 có Nghị định 188,… Trên cơ sở đó, các dự án vướng mắc sẽ được rà soát để có điều chỉnh.
Tổng Hợp
(Vietnambiz)