Trong năm 2021 và đầu năm 2022, hầu hết phiên đấu giá đất ở các địa phương đều nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư. Nhưng từ đầu năm đến nay, Nhiều địa phương đã ồ ạt tổ chức đấu giá đất, nhưng không ít lô bị ế vì không có người trả giá…
Giá trúng các lô đất chênh thấp so với giá khởi điểm, thậm chí nhiều lô còn không có người tham gia trả giá.
Đơn cử, tại Bắc Giang, trong phiên đấu giá đất tại các phường Trần Phú, Đa Mai và xã Tân Tiến, Đồng Sơn, Tân Mỹ (thuộc TP Bắc Giang) diễn ra đầu tháng 3 vừa qua có tới 40 lô không có khách trả giá. Số lô ế khách này chiếm gần 41% tổng số lô đem ra đấu giá.
Trong đó, lô có giá trúng cao nhất có diện tích hơn 141m2, trị giá gần 3,4 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm khoảng 320 triệu đồng. Hầu hết lô còn lại có giá trúng dao động từ 1,1 đến 1,3 tỷ đồng, chênh lệch không nhiều so với giá khởi điểm.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc các phiên đấu giá không còn sôi động cũng phản ánh đúng thực trạng của thị trường bất động sản hiện tại. Từ giữa năm 2022, thị trường đã rơi vào trầm lắng. Sức mua giảm. Số lượng giao dịch thành công rất ít.
Bên cạnh đó, đất đấu giá ở thời điểm trước bị thổi lên cao, trong khi nhu cầu ở thực lại không có. Thanh khoản trên thị trường kém cũng là lý do nhiều nhà đầu tư không mặn mà với đất đấu giá như giai đoạn trước.
Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội – cho rằng chuyện thổi giá đất thông qua đấu giá nhằm kéo giá trong khu vực không còn mới. Không ít người tham gia đấu giá chủ yếu là đầu cơ, đầu tư kiếm lời, còn nhu cầu thực thì rất ít. “Ở giai đoạn thị trường thanh khoản kém như hiện nay việc lướt sóng bán chênh khó nên nhà đầu tư cũng không tham gia nữa. Mức giá trước kia phải gấp 2-3 lần khởi điểm mới trúng thì nay chỉ cần chênh 5-10%, ông Điệp nhấn mạnh.
Việc tìm hướng ra cho cơ chế đấu giá đất tiếp tục là bài toán nan giải và trở thành vấn đề gây nhiều tranh luận ở dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang lấy ý kiến rộng rãi các thành viên thị trường.
Một chuyên gia kinh tế từng chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, có nhiều sắc luật điều chỉnh việc đấu giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn thiếu các quy định bảo đảm việc đấu giá và sử dụng đất chặt chẽ, đúng mục đích. Điều này lý giải vì sao cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm hồi đầu năm nay do cơ quan chức năng kiểm soát, “luật chơi” không sai, “người chơi” không vi phạm, nhưng kết quả được cho là “làm nhiễu loạn thị trường bất động sản”.
Hiện nay, trình tự và thủ tục đấu giá do các tổ chức đấu giá tài sản (thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp) thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản 2016, trong khi việc thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, xem xét năng lực người tham gia đấu giá, phê duyệt phương án đấu giá, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá… lại chịu sự điều chỉnh của các luật khác như Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế (thuộc thẩm quyền của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính…).
TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế đánh giá, có thể thấy hoạt động đấu giá đất sẽ vẫn được định hướng trọng tâm thực hiện trong thời gian tới. Bởi lẽ, dù các thương vụ đấu giá vẫn chưa đi đến cái đích cuối cùng là sử dụng đất hiệu quả sau đấu giá cũng cho thấy được góc khuất về giá trị tiền ngân sách bị thất thoát trước đây nếu giao đất không qua đấu giá.
“Câu trả lời còn lại là việc làm sao để đấu giá đất hoạt động một cách hiệu quả, công khai, minh bạch, bởi khi thấy có vấn đề và siết quá chặt các hoạt động đấu giá sẽ vô hình trung gây tác dụng ngược, khiến công cụ này không mang tới các hiệu quả như mong muốn”, ông Ánh nói.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Báo Đầu Tư)