Hàng loạt cổ phiếu bất động sản như C21, NTB, THD… đều tăng giá rất mạnh trong tuần từ 15 – 19/6.
Thị trường chứng khoán biến động theo cách khó lường trong tuần từ 15 – 19/6 với các phiên giảm sâu và tăng trong biên độ rất lớn. Tính chung cả tuần, VN-Index vẫn có được mức tăng điểm nhẹ còn HNX-Index giảm sâu. Với việc hai sàn kết phiên trái chiều trong tuần qua thì các nhóm ngành cổ phiếu cũng có sự phân hoá.
Bản thân nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có sự phân hóa nhưng số mã tăng giá lại có phần áp đảo hơn. Thống kê khoảng 112 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần giao dịch vừa qua cho thấy, có 61 mã tăng giá trong khi có 36 mã giảm.
Bộ ba cổ phiếu họ “Vin” là động lực chính giúp VN-Index tăng điểm nhẹ trong tuần giao dịch vừa qua. Trong đó, VRE tăng 7,34% từ 25.900 đồng/cp lên thành 27.800 đồng/cp. VIC tăng 6% lên 91.800 đồng/cp lên thành 97.300 đồng/cp. Trong tuần, VIC bất ngờ được kéo lên mức giá trần trong phiên cuối tuần, đây là thời điểm 2 quỹ ETF V.N.M và FTSE thực hiện hoàn tất giao dịch trong kỳ cơ cấu danh mục quý II/2020. Phiên đó, VIC nhận được lực cầu từ khối ngoại rất lớn trong đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC).
Còn về VHM, cổ phiếu này có mức tăng khiêm tốn nhất với 2%. Tuy nhiên, VHM để lại ấn tượng rất lớn cho nhà đầu tư bởi ở phiên đầu tuần VHM có giao dịch thỏa thuận khủng 201 triệu cổ phiếu ở mức giá 75.000 đồng/cp, tương ứng giá trị giao dịch gần 15.100 tỷ đồng và toàn bộ giao dịch này được khối ngoại mua ròng. Bên mua ngay sau đó đã lộ diện là Công ty quản lý quỹ đầu tư KKR, thực hiện mua qua Viking Asia Holdings II Pte.Ltd. Mới đây, Công ty Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart đã thông báo bán toàn bộ 42,2 triệu cổ phiếu VHM. Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu là 15/6 – trùng với phiên KKR mua thỏa thuận cổ phiếu VHM.
10 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần từ 15 – 19/6.
Trong khi đó, C21 sau khi đứng đầu danh sách giảm giá ở tuần giao dịch từ 8 – 12/6 thì sang đến tuần 15 – 19/6, cổ phiếu này đã đảo ngược tình thế khi là mã tăng giá mạnh nhất trong nhóm bất động sản với hơn 38%. Trong tuần, C21 đã tăng từ 18.468 đồng/cp lên 25.500 đồng/cp. Đường đi của C21 trong vài tuần trở lại đây rất khó lường khi mà cổ phiếu này thường xuyên có những đợt tăng, giảm mạnh đan xen.
Tiếp đến, cổ phiếu NTB cũng tăng giá đến 31,5% nhưng thị giá của cổ phiếu này hiện chỉ là 265 đồng/cp. Cổ phiếu THD đứng thứ 3 về mức giá tăng trong nhóm cổ phiếu bất động sản với 30%.
Đáng chú ý, THD mới chỉ lên niêm yết trên HNX trong phiên 19/6 và phiên đó, cổ phiếu này được kéo lên mức giá trần với biên độ trong ngày giao dịch đầu tiên là 30%. Thaiholdings được thành lập năm 2011 trên cơ sở CTCP Đầu tư và Phát triển Kinh Thành. Công ty có các mảng kinh doanh chính là thương mại vật liệu xây dựng, cho thuê bất động sản, hoạt động đầu tư tài chính, hoạt động thương mại thực phẩm. Ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) hiện là cổ đông lớn duy nhất nắm giữ 20% cổ phần công ty.
10 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần từ 15 – 19/6.
Ở chiều giảm giá, các cổ phiếu như D11, HIZ, HU6, ITA, IDJ hay PDR chia sẻ các vị trí dẫn đầu nhưng đáng kể nhất là trường hợp của ITA, Cổ phiếu này trong tuần bất ngờ có đến 3 phiên giảm sàn và khiến nhiều nhà đầu tư phải “thót tim” khi không thể bán ra cổ phiếu hay còn gọi là “kẹp hàng”. Tuy nhiên ngay ở phiên cuối tuần 19/6, ITA đã tăng trần trở lại giúp nhiều nhà đầu tư “thở phào”. Dù vậy, tính chung cả tuần, ITA vẫn mất 11,5% giá trị.
Diễn biến giá cổ phiếu ITA trong tuần từ 15-19/6. Nguồn: VNDirect.
Điều tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu HQC, sau chuỗi tăng trần không biết “mệt”, HQC cũng có cho mình 2 phiên giảm sàn. Nhưng cổ phiếu này cũng đã hồi phục và tăng trần trở lại ở phiên cuối tuần. Khác với ITA, HQC tính chung cả tuần vẫn tăng nhẹ 3,3%.
Diễn biến giá cổ phiếu HQC trong tuần từ 15 – 19/6. Nguồn: VNDirect.
Tuấn Hào