Trong quý I/2022, kinh tế Việt Nam phục hồi ngày càng rõ nét hơn, với gam màu sáng hơn nhờ Chính phủ quyết liệt khôi phục và mở cửa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều chuyên gia dự báo, trong kịch bản tích cực tăng trưởng GDP vẫn có thể đạt khoảng 6-6,5%.
Theo ông Nguyễn Minh Cường – Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB bày tỏ tin tưởng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023, do tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng.
Chuyên gia ADB phân tích sự phục hồi có thể đạt được nhờ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ (ERDP) trong năm 2022 và 2023 gồm các giải pháp tài khóa như chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phát triển cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh.
Còn các chuyên gia HSBC thì dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,2%. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,3%.
Dự báo về lạm phát, theo TS.Cấn Văn Lực và nhóm tác giả, áp lực lạm phát, giá cả hàng hóa, dịch vụ toàn cầu ở mức cao cùng với đà phục hồi kinh tế của Việt Nam cao hơn năm 2021; độ trễ của chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi sẽ là những thách thức chính đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022. Tính đến sự cải thiện sức cầu, sự sôi động trở lại của các hoạt động kinh tế xã hội và tác động vòng 2, vòng 3 của việc tăng giá xăng dầu, CPI bình quân năm 2022 dự báo sẽ ở mức 3,8-4,2%, có thể cao hơn mục tiêu 4% nhưng chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh và Việt Nam cần ưu tiên phục hồi năm nay.
Tăng trưởng GDP quý I/2022 khả quan là một dẫn chứng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03%, cao hơn mức tăng 4,72% và 3,66% của quý I hai năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá, trong bối cảnh còn dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị và áp lực lạm phát, giá cả tăng; đạt mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 01 (4,9-5,4%).
Trong đó, động lực tăng trưởng chính là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38% (đóng góp 51,08% vào mức tăng trưởng chung) và khu vực dịch vụ tăng 4,58% (đóng góp 43,16%).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là một tín hiệu tích cực. Lũy kế đến hết ngày 20/3/2022, vốn FDI đăng ký ước đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ (chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới chỉ đạt 3,21 tỷ USD, giảm 55,5%, nhưng tăng 37,6% về số dự án); vốn đăng ký bổ sung tăng mạnh (4,07 tỷ USD, tăng 93,8%); vốn góp, mua cổ phần cũng tăng mạnh 101,2%, đạt 1,63 tỷ USD.
Đặc biệt, giải ngân vốn FDI đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% – là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua, cho thấy tình hình giải ngân vốn FDI tại Việt Nam tiếp tục khả quan, nhờ Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, thực hiện tốt chiến lược bao phủ vaccine, tích cực mở cửa nền kinh tế và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh.
Tổng Hợp