Thị trường bất động sản đang chứng kiến sự sụt giảm do những tác động tiêu vực của dịch COVID-19. Câu chuyện giá nhà trong thời gian tới liệu có giảm hay không đang được dư luận quan tâm.
Việc tạo lập ra một bất động sản dựa trên 5 yếu tố là chi phí đất, chi phí xây dựng, chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và lợi nhuận kỳ vọng.
Tại hội thảo trực tuyến “Giá nhà có giảm do COVID-19?” do Forbes Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, cho biết bất chấp đại dịch, giá bất động sản ở TP HCM và Hà Nội vẫn không giảm.
Trong 6 tháng đầu năm, giá các dự án chào bán mới ở hai thị trường này tiếp tục tăng lần lượt 16% và 7%. Số dự án mở bán mới tăng trên 28% tại TP HCM và 20% tại Hà Nội. Bên cạnh đó, dù số dự án mở bán mới nhiều hơn đi kèm giá bán tăng, nhưng tỷ lệ hấp thụ các dự án đều ở mức cao (trên 70%), trái ngược với tình hình dịch bệnh.
Theo ông Kiệt, do các dự án thứ cấp nằm trong khu vực có nguồn cung lớn và giá nhà vốn đã được đẩy lên cao trong vài năm qua, nên các nhà đầu tư chấp nhận bán giá thấp hơn để có thể tiêu thụ được. “Nhà đầu tư mua một bất động sản 5 tỷ đồng ở khu vực TP Thủ Đức, nếu như trước đây họ bán 6,5 tỷ đồng, cao hơn 30% so với mức giá đầu tư ban đầu thì bây giờ họ chấp nhận giảm 5% còn 6 – 6,2 tỷ đồng”, ông Kiệt ví dụ.
Trái ngược với quan điểm thị trường bất động sản có thể giảm giá sau hơn một năm rưỡi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Kiệt cho biết, hiện vẫn chưa có tình trạng bán lỗ, bán tháo trên thị trường. Thậm chí trong thời điểm khó khăn, vẫn xuất hiện dự án hạng sang tung ra thị trường với mức giá bán lên tới 30.000 USD/m2, hướng đến đối tượng có tiềm lực tài chính mạnh và các dự án vẫn có thể tiêu thụ được.
Năm 2020 và đầu năm 2021, thị trường chứng khoán đã tăng lên đến mức đỉnh kỷ lục. Vì thế, năm 2021, việc giữ ổn định được mức tăng trong giai đoạn cuối năm 2021 vẫn là thách thức. Một khi thị trường chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư có thể mất cả gốc lẫn lãi. Trong khi đó, bất động sản lại là kênh trú ẩn tương đối an toàn, thị trường có khủng hoảng thì tài sản vẫn còn đó bởi xét về dài hạn bất động sản chưa bao giờ giảm giá.
Trong báo cáo thị trường BĐS mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cũng cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm. Lẽ ra khi nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm nhưng thực tế tổng tiền vào thị trường có nhu cầu đầu tư BĐS lại mạnh lên.
“Nguyên nhân bởi một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác như chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu đang đổ mạnh vào BĐS. Nguồn tiền thực tế vào thị trường rất lớn, nguồn hàng lại khan hiếm là nguyên nhân chính đẩy giá BĐS tăng mạnh” – ông Đính phân tích.
Cũng khẳng định đang có xu hướng nhà đầu tư chốt lãi ở chứng khoán vào bất động sản, bà Bùi Trang – Giám đốc Bộ phận thị trường Việt Nam của JLL cho biết người Việt có tâm lý ăn chắc mặc bền. Bà Trang đánh giá cao các nhà đầu tư cá nhân cách dịch chuyển dòng vốn như vậy để tránh dồn tất cả trứng vào một giỏ, lúc thị trường khó khăn, nhà đầu tư có thể tháo chạy kịp. Đây là cách đầu tư của nhà đầu tư thông minh trong dịch bệnh bởi với cách chia thành các giỏ đầu tư nhà đầu tư sẽ tránh được tình trạng tập trung rủi ro về một mối.
Cương Nguyễn