Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, nếu không được cơ cấu nợ, giãn nợ, chắc chắn nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản sẽ “phình to” trong thời gian tới trong bối cảnh áp lực trả nợ của các doanh nghiệp ngày càng cao. Nhảy nhóm nợ, nợ xấu tăng – domino từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện hữu…
Hơn nữa, áp lực trả nợ không chỉ từ tín dụng ngân hàng, mà còn từ đáo hạn trái phiếu.
Thống kê cho thấy, năm 2023-2024 là giai đoạn “đỉnh nợ” của trái phiếu doanh nghiệp, riêng lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn năm 2023 lên tới 119.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản cạn vốn, không có tiền hoàn thiện dự án, bán ra để thu hồi tiền về, chưa kể sức mua thị trường hiện rất kém.
Trong số 28 ngân hàng thống kê từ dữ liệu của FiinPro, chỉ có 11 ngân hàng hạch toán chi tiết khoản mục cho vay ngành bất động sản trong báo cáo tài chính quý IV/2022 chưa kiểm toán.
Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng bất động sản của 11 ngân hàng đạt 276,5 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm.
Techcombank đang là ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản cao nhất, gần 109 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm. Techcombank cũng là nhà băng có tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng cho vay khách hàng cao nhất, hơn 26%.
Đứng sau Techcombank là VPBank với dư nợ cho vay bất động sản đạt 67,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 59% so với hồi đầu năm. Theo đó, dư nợ cho vay bất động sản tại VPBank chiếm 15,4% dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm cuối năm 2022.
Tăng 29% trong năm 2022, SHB đứng vị trí thứ 3 trong nhóm ngân hàng được thống kê về dư nợ cho vay bất động sản. Tương tự, MBBank cũng tăng tốc cho vay lĩnh vực bất động sản với dư nợ cho vay xấp xỉ 21,4 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm 2022.
Trong TOP 5 còn có VietBank hơn 13 nghìn tỷ đồng cho vay bất động sản, tăng 20% trong năm 2022.
“Doanh nghiệp bất động sản hiện nay không chỉ đối mặt với khoản nợ ngân hàng đáo hạn, mà còn áp lực lớn đối với khoản trái phiếu phát hành sắp đáo hạn, trong khi nguồn thu và dòng tiền bị chững lại. Nếu không có biện pháp hỗ trợ, các doanh nghiệp này sẽ không hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng lẫn trái chủ”, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank phân tích và cho rằng, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ có thể là biện pháp nên xem xét trong bối cảnh hiện nay.
Thế nhưng, tái cơ cấu nợ không chính xác, nợ xấu sẽ dồn về tương lai – đây là điều mà lãnh đạo các ngân hàng quan ngại.
“Việc cơ cấu nợ phải được triển khai một cách rất thận trọng, chính xác để đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau. Bởi nếu dồn nợ xấu về sau, thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh.
Ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, kênh huy động trái phiếu khó khăn đang tác động tiêu cực đến dòng tiền và nghĩa vụ trả nợ của ngân hàng. Hưng Thịnh Land dù chưa bị nhảy nhóm nợ, nhưng nếu tình hình không có gì chuyển biến, thì khả năng nhảy nhóm nợ rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, doanh nghiệp này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ.
Đây cũng chính là kiến nghị của đại diện Novaland. Thậm chí, Novaland còn xin giãn nợ, cơ cấu nợ lên tới 36 tháng.
Đại diện Novaland cho hay, biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến niềm tin của nhà đầu tư bị khủng hoảng nặng nề. Với các chủ nợ trong nước (ngân hàng, trái chủ), Novaland đang rất vất vả để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.
Thực tế, từ đầu năm tới nay, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã thông báo mất khả năng thanh toán, không trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm qua.
Bản thân ngân hàng cũng thừa nhận, nếu không có biện pháp hỗ trợ, nợ xấu bất động sản sẽ phình to.
Theo dữ liệu do Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày 31/01/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu nào được thực hiện trong năm 2023.
Trong khi đó, trong tháng 1, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.068 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022.
Thống kê cũng cho thấy, trong năm 2023 sẽ có khoảng 285.178 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn rơi vào hơn 119.000 tỷ đồng.
Theo nhiều phân tích, lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 có thể sẽ gây áp lực trả nợ không nhỏ lên các doanh nghiệp phát hành, khi trái phiếu phát hành mới vẫn đóng băng (không có lô trái phiếu doanh nghiệp nào được phát hành trong 3 tuần đầu tháng 1/2023).
Thêm vào đó, thị trường bất động sản các kênh huy động vốn (chứng khoán, tín dụng, huy động vốn từ người mua nhà…) đều khó khăn.
Các chuyên gia của FiinRatings nhìn nhận, khó khăn thanh khoản sẽ tiếp diễn trong năm nay. Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.
Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi theo thống kê, 80% trái phiếu bất động sản phát hành trên thị trường là của doanh nghiệp chưa niêm yết với năng lực tài chính yếu, đòn bẩy tài chính cao.
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết cũng cho thấy dòng tiền yếu đi rõ rệt, tồn kho tăng, vay nợ tăng.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Tạp Chí Tài Chính)