Khách hàng đi vay tiền ngân hàng vẫn được nhân viên tư vấn mời chào các sản phẩm bảo hiểm đi kèm bảo hiểm để dễ giải ngân.
Nhiều ngày gần đây, bên cạnh câu chuyện phát sinh từ các đại lý bảo hiểm của công ty bảo hiểm thì vấn đề bảo hiểm nhân thọ được bán chéo trong ngân hàng cũng được quan tâm.
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Minh – Phó chủ tịch Hội đồng Tài chính cá nhân (Hiệp hội Tư vấn tài chính) – người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm – cũng cho biết nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm hầu hết không được đào tạo bài bản, có tình trạng nhận chỉ đạo từ cấp trên để bán hàng.
Không ít người cho biết họ chẳng mặn mà gì với các gói bảo hiểm mà chỉ mua năm đầu để được nhanh chóng giải ngân khoản vay rồi xác định “mất trắng” số tiền bảo hiểm này, còn các năm sau đó sẽ không mua.
Thực tế, nhiều năm trở lại đây, nhân viên ngân hàng không đơn thuần “sống” từ dịch vụ huy động tiết kiệm, bán thẻ, tìm khách vay… Các sản phẩm tài chính, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, được bán mạnh, các giao dịch viên cũng bị áp doanh số.
Thị trường đã có rất nhiều “cú bắt tay” nghìn tỷ đồng giữa các ngân hàng với công ty bảo hiểm. Có thể kể đến các thương vụ như VPBank – AIA, Sacombank – Dai-ichi Life, Vietcombank – FWD, ACB và TPBank với Sun Life, MSB – Prudential, VIB – Prudential, hay VietinBank, Techcombank và SCB hợp tác với Manulife…
Chị Ngọc Linh (Bình Phước) cũng thông tin đến Dân trí việc tháng 2 vừa rồi, vợ chồng chị đến một chi nhánh của LienVietPostBank tại đây để vay 150 triệu đồng. Bên ngân hàng tiếp nhận hồ sơ và ngay ngày hôm sau, chồng chị nhận được cuộc gọi của nhân viên tín dụng gợi ý mua gói bảo hiểm 10 triệu đồng/năm.
“Nếu anh chị mua bảo hiểm có liên quan hay liên kết với ngân hàng thì sẽ ưu tiên giải ngân sớm”, chị Linh dẫn lời vị phó phòng tín dụng. “Bạn nhân viên tín dụng còn nói thêm có khách 3 tháng nay chưa được giải ngân, có khi đến cuối năm mới được giải ngân để gây áp lực”, chị Linh nói. Tuy nhiên, vợ chồng chị đã kiên quyết không mua và gửi hồ sơ vay vốn đến ngân hàng khác.
Chị Ngọc Tâm (Hà Nội) liên hệ với một nhân viên tín dụng VPBank chi nhánh Hà Nội hỏi vay mua chung cư. Chị được tư vấn lãi suất tại nhà băng này đang ưu đãi cho năm đầu là 12,5%/năm, từ năm tiếp theo áp dụng cách tính lãi suất cơ sở cộng biên độ là 3%. Cứ 3 tháng, lãi suất cơ sở sẽ được thay đổi một lần tùy theo ngân hàng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường, cộng thêm biên độ là ra lãi suất cho vay.
Nhân viên này nói với chị Tâm việc ngân hàng đang xảy ra tình trạng room khó khăn, nếu muốn hưởng lãi suất tốt hơn có thể mua thêm gói bảo hiểm AIA để được ưu đãi giải ngân.
Hay khi liên hệ với nhân viên tín dụng SHB chi nhánh Hà Nội, chị cũng được gợi ý mua thêm gói bảo hiểm Dai-ichi Life để chắc chắn được giải ngân và hưởng lãi suất thấp nhất.
Chị Ngọc Hà (Hà Nội) khi hỏi vay tại một chi nhánh tại Hà Nội của MSB cũng được tư vấn mua thêm gói bảo hiểm của Prudential để được giải ngân nhanh nhất. Nếu không, chị Hà sẽ phải chờ “xếp lốt”.
Không chỉ về phía khách hàng, phía nhân viên ngân hàng thực tế cũng không ít người tỏ ra không mấy mặn mà với việc chào mời bảo hiểm.
Theo nhân viên tín dụng tại một ngân hàng tư nhân, mức hoa hồng cho việc bán hợp đồng bảo hiểm là 8% giá trị hợp đồng năm đầu (trước thuế). Điều này tương ứng, nếu “chốt” được gói bảo hiểm 20 triệu đồng/năm, nhân viên tín dụng sẽ được khoảng 1,6 triệu đồng.
Nhân viên này cũng nói do chỉ được hoa hồng năm đầu nên chỉ “ăn xổi một năm”. “Phía khách hàng cũng chỉ mua để được giải ngân, không nhiều người duy trì sang năm sau”, nhân viên này nói thêm.
Một nhân viên tại nhà băng tư nhân khác tiết lộ mức hoa hồng cho bảo hiểm lên tới 10% giá trị hợp đồng năm đầu. Tuy nhiên, việc bán bảo hiểm cũng không “ngon ăn” cho bị áp doanh số hàng trăm triệu mỗi năm.
Tại một số ngân hàng khác, nhân viên thậm chí không được ăn hoa hồng từ việc bán bảo hiểm. Nếu “chốt” được hợp đồng sẽ được cộng vào điểm % KPI. “Được mấy điểm %, không bõ dính răng”, nhân viên này nói. Theo các nhân viên ngân hàng, thực tế chỉ có nhân viên tư vấn của công ty bảo hiểm mới được hưởng mức hoa hồng cao, còn nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm chủ yếu vì bị áp doanh số.
Tổng Hợp
(Dân Trí)