Môi giới bất động sản dẫn đầu trong nhóm nghề đi tìm việc làm nhiều nhất, theo sau là nhóm nghề dệt may, thực phẩm và đồ uống, kho vận, bảo hiểm. Nhân viên môi giới bất động sản đã phải chuyển hướng kinh doanh để đảm bảo nguồn thu…
Chị Nguyễn Thùy Linh (32 tuổi, quê Thanh Hóa) kể, bén duyên với nghề môi giới bất động sản tại TP.HCM từ năm 2013. Lúc mới vào nghề, chị chủ yếu bán ở phân khúc đất nền, sau đó lần lượt lấn sang phân khúc căn hộ, nhà phố trong các khu đô thị.
Trong giai đoạn 2013-2019, thị trường diễn biến sôi động, giao dịch nhiều nên công việc này đem lại nguồn thu nhập cao, nhờ đó chị cùng chồng cũng sắm được nhà ở thành phố chỉ sau vài năm làm việc.
Thế rồi, dịch bệnh bất ngờ ập đến, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng kéo dài, các sàn nơi chị hợp tác cũng lần lượt đóng cửa. Không có việc làm nên không có nguồn thu, trong khi chi phí sinh hoạt trên thành phố nhiều khoản, giá cả đắt đỏ… nên số tiền tiết kiệm được cứ vơi dần.
“Cuối cùng, tôi quyết định trở lại làm việc đúng với chuyên môn đã được đào tạo là kế toán cho một doanh nghiệp nhỏ tại quận Thủ Đức. Công việc mới không quá vất vả, thu nhập không quá cao, trên 10 triệu đồng/tháng, song cùng với khoản thu nhập tương đương của ông xã nên cả gia đình 3 người chi tiêu hợp lý cũng vừa đủ”, chị chia sẻ.
Chị Linh chỉ là một trong hàng chục nghìn nhân viên môi giới bất động sản phải chuyển sang lĩnh vực khác bởi giao dịch nhà đất trầm lắng suốt thời gian dài. Số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, trong quý II/2023, môi giới bất động sản dẫn đầu trong nhóm nghề đi tìm việc làm nhiều nhất, theo sau là nhóm nghề dệt may, thực phẩm và đồ uống, kho vận, bảo hiểm.
Còn theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 9/2023, có 3.237 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng có thời hạn. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp môi giới địa ốc phải tự tìm lối thoát cho mình khi thị trường được dự báo chưa thể hồi phục trong ngắn hạn.
Đơn cử, CenLand – một trong những doanh nghiệp môi giới bất động sản thuộc tốp đầu thị trường, mới thông báo ra mắt dịch vụ mới là tư vấn du học nghề ở Đức. Mảng kinh doanh này được thực hiện thông qua Cen Academy – một trung tâm đào tạo kỹ năng bán hàng bất động sản thành lập năm 2021.
“Đây là ‘long mạch’ mà chúng tôi tìm thấy trong khó khăn. Tập đoàn đang chuyển đổi mạnh mẽ sang lĩnh vực du học nghề ở Đức”, ông Phạm Thanh Hưng – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị CenLand chia sẻ về lĩnh vực mới mà tập đoàn này tích hợp vào Cen Academy.
Ở một trường hợp khác, đầu tháng 9/2022, anh Hoàng Hữu Phát, giám đốc một sàn môi giới bất động sản tại TP.HCM quyết định tạm thời đóng cửa công ty, trở về quê tại Đắk Lắk phụ giúp gia đình kinh doanh khí đốt (gas).
Vị giám đốc trẻ này cho biết, từ khi thành lập cuối năm 2017, công ty chủ yếu tập trung phát triển các dự án đất nền và coi đây là chiến lược đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, thị trường giảm nhiệt hẳn, lượng giao dịch gần như không có.
“Từ cuối năm 2022, công ty gần như không có nguồn thu vì không có hàng để bán, tôi đã xoay xở mọi cách để cầm cự nhưng không được nên buộc phải tạm thời ngừng hoạt động để chờ thị trường ấm trở lại”, anh Phát nói.
Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài là cơ hội tốt để thanh lọc hoạt động môi giới, bởi vai trò của hoạt động này ngày càng quan trọng hơn trong giao dịch bất động sản. Do đó, nhìn ở khía cạnh tích cực, qua đợt thanh lọc này, thị trường môi giới bất động sản sẽ chuyên nghiệp và phát triển lành mạnh hơn.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)