Ngay sau thời điểm nới giãn cách xã hội, các công trình xây dựng đang đẩy mạnh trở lại sau thời gian tạm dừng thì giá vật liệu xây dựng lại lần nữa tăng dựng đứng khiến cả chủ nhà, nhà thầu xây dựng các công trình… lần nữa “méo mặt”.
Hiện các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do trước đó đã ký với chủ đầu tư hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Do đó, giá VLXD có tăng đến bao nhiêu, họ vẫn phải “bấm bụng” thi công để đảm bảo đúng tiến độ trong hợp đồng, nếu không sẽ bị phạt nặng.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá VLXD tăng phi mã thời gian qua đã kéo theo căn hộ chung cư đã tăng 4 – 6% trong thời gian gần đây. Dự báo giá sẽ còn tăng từ 10 – 15% trong thời gian tới. Tình trạng này khiến các chủ đầu tư điêu đứng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các VLXD đầu vào như: giá thép xây dựng tăng 30 – 40% (mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường), giá nhựa đường tăng 9 – 10%, giá xi măng tăng 3 – 5%… Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới, trong khi một số vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất VLXD phải nhập khẩu dẫn đến nguy cơ thiếu hụt, từ đó làm tăng giá VLXD… Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay dịch bùng phát ở hầu hết các quốc gia, việc hạn chế đi lại, thông quan hàng hóa chậm lại dẫn đến thời gian lưu kho bãi đối với hàng hóa xuất khẩu kéo dài, nhân công bốc xếp, vận tải hàng hóa bị đình trệ cũng làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của doanh nghiệp VLXD trong nước.
Bất động sản “méo mặt” theo
Đối với những dự án đã khởi công xây dựng và đang trong quá trình triển khai, chủ đầu tư sẽ không còn thời gian để điều chỉnh giá bán với khách hàng, phải chịu thiệt thòi về lợi nhuận. Bản thân các chủ đầu tư không thể cắt giảm chi phí xây dựng để đảm bảo lợi nhuận bởi ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Còn đối với các dự án chưa công bố bán hàng, chưa khởi công xây dựng và chưa đưa vào kinh doanh, đây là những dự án chủ đầu tư vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh giá bán. Khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đẩy chi phí xây dựng tăng lên, cấu thành vào giá bán, điều đó bắt buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá tăng lên.
Áp lực tăng giá bán đè nặng lên chủ đầu tư khi nhà thầu đồng loạt có những động thái cần hỗ trợ. Trong khi giá bất động sản cũng giao động tăng đều từ 7-10% trên năm, nên việc giá vật liệu xây dựng tăng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới. Tại nhiều địa phương thực hiện giãn cách lượng giao dịch BĐS thành công hầu như không đáng kể. Các chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh BĐS vẫn giữ mức giá chào bán đã thiết lập từ cuối quý II.
Bộ Xây dựng thông tin giá rao bán nhà ở, đất nền cơ bản vẫn ổn định, hầu hết giữ mức mặt bằng giá được thiết lập trong quý II. Đối với căn hộ chung cư, giá rao bán bình quân tại Hà Nội, Đà Nẵng và Khánh Hòa giảm 2-4% so với quý trước; tại TP.HCM tăng khoảng 2%, Bình Dương tăng 4%, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu tăng khoảng 5%. Sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp (có mức giá 30-50 triệu đồng/m2). Giá rao bán căn hộ trung cấp có mức tăng cao tại một số khu vực như quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm (Hà Nội); quận 5, TP Thủ Đức (TP.HCM); TP Dĩ An (Bình Dương).
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)