Từ lâu, câu chuyện các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu (HSMT) đi ngược tính cạnh tranh đã được cơ quan quản lý nhà nước các cấp cảnh báo. Tuy nhiên, vẫn còn một số bên mời thầu (BMT) ban hành những bộ HSMT mang tính ‘cài bẫy’, ‘định hướng’, làm méo mó công tác đấu thầu.
Cơ quan quản lý các địa phương lên tiếng cảnh báo
Qua khảo sát báo cáo công tác đấu thầu năm 2019 của các địa phương, hầu hết đều có những cảnh báo về tình trạng HSMT chất lượng kém dẫn tới nhiều hệ lụy.
Tại Bình Định, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu của địa phương này đã phản ánh: “Chất lượng của HSMT còn thấp, nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho công tác lựa chọn nhà thầu. Các yêu cầu đặt ra trong HSMT còn mang tính chất cảm tính và hướng vào một số nhà thầu nào đó, làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu”.
Tại Hải Phòng, trong nhiều năm liền, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đều nhấn mạnh: “Chất lượng HSMT của một số gói thầu còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho công tác lựa chọn nhà thầu. Các yêu cầu đặt ra trong HSMT còn mang tính chung chung, các tiêu chí đánh giá còn hình thức”.
Tỉnh Bến Tre là địa phương trong 3 năm trở lại đây được đánh giá khá quyết liệt trong chấn chỉnh công tác đấu thầu cũng có chung nhận định: “Công tác lập, thẩm định HSMT/hồ sơ yêu cầu (HSYC) chưa được quan tâm đúng mức. Các tiêu chuẩn trong HSMT/HSYC chưa được rõ ràng, chưa phù hợp với quy định, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình tham gia, dẫn đến nhà thầu kiến nghị”.
Báo cáo của tỉnh Bình Thuận còn chỉ rõ nguyên nhân: “Một số đơn vị tư vấn đấu thầu trên địa bàn Tỉnh chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của từng gói thầu, dẫn đến xây dựng HSMT chưa phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu”.
Qua thanh, kiểm tra công tác đấu thầu, Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương nhận thấy: “Công tác lập, thẩm định, phê duyệt HSMT còn một số tiêu chuẩn đánh giá chưa phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu”…
Tại sao nhà thầu im lặng trước những HSMT méo mó?
Quá trình tiếp nhận và tìm hiểu nhiều đơn kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) cho thấy nổi lên tình trạng một số BMT, chủ đầu tư, thậm chí người có thẩm quyền, không giải quyết những kiến nghị về HSMT/HSYC của nhà thầu.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao những HSMT/HSYC xuất hiện các tiêu chí thiếu cạnh tranh, không tuân thủ quy định về đấu thầu vẫn mặc nhiên tồn tại, hạn chế hiệu quả của công tác đấu thầu? Tại sao các nhà thầu im lặng, chấp nhận những “đề bài” lệch lạc, có tính định hướng và bước chân vào vòng đấu kém cạnh tranh với nhiều rủi ro?
Theo một số nhà thầu, đó là “do cả nể, do sợ bị trù dập ngay từ khâu kiến nghị về HSMT”. Thực tế này phản ánh đúng hiện tượng, gần như chỉ có các nhà thầu đến từ địa phương khác mới dám phản ánh về các tiêu chí mang tính địa phương. Có thể kể đến Công ty TNHH Xây dựng Trường An (địa chỉ tại Khánh Hòa) bức xúc với HSMT Gói thầu Thi công xây dựng Trường THPT Dân tộc nội trú Đam San, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Lắk mời thầu, đưa ra tiêu chí “hợp đồng tương tự thi công trên đất cát pha”.
Hay HSMT Gói thầu 04TV Kiểm toán toàn bộ dự án do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên mời thầu bị Công ty Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP.HCM (địa chỉ tại TP.HCM) tố cài cắm tiêu chí là hợp đồng tương tự phải từng thực hiện trên địa bàn 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Hoặc một nhà thầu tại TP.HCM kiến nghị HSMT gói thầu ở Kiên Giang yêu cầu “phải có phòng kiểm nghiệm vật liệu xây dựng trong phạm vi 50 km từ chân công trình”. Và nhiều nhà thầu ở địa phương khác kiến nghị về tiêu chí “bãi xả thải có chứng nhận của chính quyền địa phương” trong HSMT các gói thầu tại Gia Lai, Quảng Nam…
“Bởi nếu có kiến nghị các tiêu chí thiếu cạnh tranh của HSMT, nhà thầu xác định sẽ bị BMT hoặc chủ đầu tư đưa vào “sổ đen”, nên chỉ dám kiến nghị ở địa phương khác, không dám kiến nghị ở địa bàn của mình. Thực tế đã ghi nhận trường hợp nhà thầu tố HSMT có nhiều tiêu chí không phù hợp đã bị “hành” khi dự thầu và bị loại đầy oan ức”, một nhà thầu chia sẻ.
Theo một chuyên gia về đấu thầu, các mẫu HSMT/HSYC được Bộ KH&ĐT ban hành đúng chuẩn mực, theo thông lệ quốc tế, tạo sân chơi cạnh tranh, minh bạch và mở ra nhiều cơ hội cho các nhà thầu thi thố. Tuy nhiên, việc áp dụng các mẫu này vào cụ thể từng gói thầu lại là trách nhiệm của BMT, của cơ quan thẩm định, phê duyệt. Chưa kể, quyền kiến nghị về HSMT đã được quy định rõ nhưng đa số nhà thầu chưa phát huy đúng thời điểm. Do vậy, một khi các BMT vẫn còn nặng tính định hướng trong xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá của HSMT, các cơ quan có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt HSMT còn quan liêu, chiếu lệ khi thực thi nhiệm vụ, thì sự im lặng thỏa hiệp của nhà thầu sẽ tiếp tay cho tình trạng này tái diễn.