Giá bán căn hộ sơ cấp tiếp tục đà tăng trong tương lai. Giá dự kiến tiếp tục tăng do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung tạm thời còn hạn chế.
Thị trường bất động sản nhà ở bán chứng kiến thực trạng nguồn cung giảm do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội trong quý III/2021. Ở phân khúc căn hộ, Hà Nội ghi nhận nguồn cung mới đến từ các dự án quy mô khu đô thị. Thị phần căn hộ cao cấp lần đầu tiên vượt trung cấp kể từ năm 2014, chiếm tới 65% nguồn cung toàn thị trường. Tại TP. HCM, nguồn cung mới chỉ ghi nhận sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp. Căn hộ bình dân hoàn toàn biến mất khỏi thị trường từ quý I/2019. Nguồn cung hạn chế khiến tỷ lệ hấp thụ của thị trường đạt mức rất cao, đặc biệt tại TP.HCM.
Tại Hà Nội, tỷ lệ bán trung bình của các dự án mới ra mắt trong quý mở bán đầu tiên vào năm 2019 và 2020 chỉ đạt lần lượt là 41% và 42% thì đến quý III/2021, tỷ lệ này đạt 52%. Tại TP. HCM, tỷ lệ bán trung bình của các dự án mới ra mắt trong quý mở bán đầu tiên vào năm 2019 và 2020 chỉ đạt lần lượt là 89% và 73% thì đến quý 3/2021, tỷ lệ này đạt 82%. Giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 16%, giá bán căn hộ sơ cấp TP. HCM tăng 17%.
Tại hội nghị Bất động sản VRES 2021 do Batdongsan.com.vn tổ chức, bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao CBRE đã phác thảo bức tranh toàn cảnh về biến động giá của một số loại hình bất động sản. Đáng nói, dù trải qua 2 năm dịch bệnh phức tạp, kéo lùi nền kinh tế nhưng giá bất động sản của nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng trên thị trường. Trong khi đó, thị trường nhà phố, biệt thự ghi nhận lượng mở bán hạn chế trước giai đoạn giãn cách. Tại Hà Nội, nguồn cung mới của quý 3/2021 chỉ đạt 440 căn với cơ cấu biệt thự 1%, liền kề 58% và nhà phố thương mại 41%.
Nguồn cung mới phân khúc này trong quý 3/2021 ở TP. HCM chỉ khoảng chục căn với giỏ hàng hóa là 100% các căn liền kề. “Nhu cầu nhà phố, biệt thự ở mức cao đã tạo triển vọng tăng giá mạnh mẽ. Cùng với cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển đã tạo động lực cho nguồn cung và giá bất động sản liền thổ tiếp tục tăng ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM”, bà Dung nhấn mạnh. Tại Hà Nội, giá bán biệt thự đã tăng 13%, nhà phố tăng 4%, nhà phố thương mại tăng 3%. Trong khi đó, tại TP.HCM, biệt thự tăng 3%, nhà phố tăng 17%, nhà phố thương mại tăng 6%. Dịch bệnh chưa được khống chế, kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng thời gian qua tại nhiều địa phương giá đất tăng mạnh, hiện tượng “sốt nóng” đất đai bắt đầu xuất hiện ở các địa phương trên cả nước.
Những ngày qua, đất rẫy tại Ninh Hoà (Khánh Hoà) cũng lên cơn sốt. Những lô đất tù vài trăm triệu được cò đẩy lên giá 2 tỉ đồng. Mỗi ngày có hàng chục đoàn ô tô đi lùng sục đất, trao tay tiền cọc. Những khu đất trước đây trồng mía, keo đang tăng giá từng ngày, thậm chí từng giờ. Nhiều miếng đất được chốt mua tiền tỷ chỉ trong 10 phút. Làng quê nghèo, bình yên nay bỗng chốc nhộn nhịp, xe cộ tấp nập. Từ hẻm nhỏ, đường lớn, quán ăn sáng đến tiệm cà phê cóc mọi người đều bàn tán về đất đai. Nhiều người dân địa phương cũng nhanh nhạy tham gia, lúc đầu nhận chân chỉ đường, sau đó thì thành cò đất. Họ còn đến từng nhà quen biết để “xí chỗ” miếng đất nếu gia chủ có ý định bán.
Lý do vùng quên này lên cơn sốt là nghe thông tin từ các “ông lớn” đổ về đầu tư dự án. Chẳng hạn như, Tập đoàn Hòa Phát và KDI Holdings đã đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa cho lập quy hoạch, thực hiện 3 dự án có tổng diện tích hơn 28.000 ha nằm trên địa bàn các xã Ninh Xuân, Ninh Sim và Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa). Cuối tháng 11, Tập đoàn FLC cũng đề xuất tỉnh Khánh Hòa cho nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp nghỉ dưỡng đô thị sinh thái cao cấp tại vịnh Nha Phu, thị xã Ninh Hòa với quy mô nghiên cứu khoảng 8.650 ha (4.000 ha mặt nước và khoảng 4.650 ha đất nghiên cứu xây dựng). Ngoài ra, hồi tháng 10, Tập đoàn Sun Group cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa xin đề xuất thực hiện dự án Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa và suối nước nóng Trường Xuân.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến các đợt sốt đất đang diễn ra khắp nơi trên cả nước là do việc chậm đưa thông tin về quy hoạch để giới đầu cơ thổi giá, trục lợi. Bên cạnh đó cũng có những đề xuất quy hoạch khi được đưa ra đã nhanh chóng tạo nên việc sốt đất cục bộ. Tuy nhiên, ngay khi có thông tin đề xuất quy hoạch không khả thi, còn trên giấy chưa thực hiện thì giá đất đã tăng nóng rồi sau đó hạ nhiệt nhanh chóng. Sốt đất là hiện tượng lặp đi lặp lại trên thị trường BĐS. Người mua phải nhận biết được dấu hiệu của những cơn sốt ảo BĐS.
Tổng Hợp