Bất động sản giữ tiền của người giàu ế ẩm sau khi liên tục tăng giá. Nhà liền kề, biệt thự liên tục tăng cao thời gian vừa qua đang rơi vào tình trạng kém thanh khoản…
Theo bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, trong bối cảnh siết tín dụng và lãi suất tăng cao, việc giá nhà liền kề, biệt thự quá đắt đỏ khiến lượng người mua hạn hẹp đi. Bên cạnh đó, giá bán sơ cấp cao, thậm chí xuất hiện mức giá ảo đang làm lợi nhuận đầu tư của dòng sản phẩm này chịu ảnh hưởng.
Vị này cũng cho rằng, nhìn chung biệt thự, nhà phố hiện đang là phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay. Nếu thực trạng này kéo dài, không ít nhà đầu tư sẽ phải cân chỉnh lại thị trường đầu tư nếu muốn tiếp tục tham gia phân khúc này.
Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam – nhìn nhận, ở góc độ vĩ mô, khi lãi suất gửi ngân hàng tương đối thấp sẽ có lợi cho thị trường bất động sản nhà liền kề, biệt thự. Ngược lại, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng gia tăng trong bối cảnh thị trường đầu tư nhìn chung đang có nhiều biến động, ngân hàng lại trở thành kênh đầu tư có lợi hơn.
Cũng theo vị này, giá bất động sản nhà liền kề, biệt thự liên tục tăng cao khiến sức hấp thụ thực tế của phân khúc này rất khó đoán, chưa kể việc sang nhượng trên thị trường thứ cấp cũng không dễ dàng. Dù bất động sản nhà liền kề, biệt thự luôn là kênh gửi gắm dòng tiền trong bối cảnh lạm phát nhưng với mức giá hiện tại, nếu không có sự hỗ trợ dòng vốn từ ngân hàng, sẽ rất khó khăn và hạn chế cho khách hàng muốn mua sản phẩm này tại TPHCM.
Thông tin về thị trường bất động sản nhà ở gắn liền với đất (biệt thự, nhà liền kề), CBRE Việt Nam cho biết, giá chào bán biệt thự tại TPHCM trong quý III trung bình vào khoảng 285-400 triệu đồng/m2, tăng gấp 3 lần so với giá cùng kỳ 2021. Loại hình nhà phố thương mại cũng ghi nhận giá sơ cấp tăng 13%, giá thứ cấp tăng 18% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho biết, xét về thanh khoản, trong quý vừa qua TPHCM có hơn 800 căn nhà liền thổ mở bán nhưng chưa đến 40% nguồn cung được tiêu thụ. Tính thanh khoản của loại hình này khá thấp được cho là do giá mở bán bất động sản liền thổ còn cao, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường nói chung.
Tại Hà Nội, trong quý III có gần 5.000 căn từ 10 dự án mở bán mới. Các sản phẩm mở bán mới phần lớn thuộc các dự án cao cấp và được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, do đó, mức giá trung bình tương đối cao, đạt khoảng 211 triệu đồng/m2 đất, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá bán thứ cấp của nhà liền kề, biệt thự trong quý III tại Hà Nội cũng tiếp tục tăng với mức tăng 18-25% so với cùng kỳ năm trước, tùy thuộc vào loại hình nhà và khu vực.
Thị trường đất nền đã hạ nhiệt, kém thanh khoản, có cả hiện tượng cắt lỗ tại nhiều địa phương trước đó từng ghi nhận có tình trạng “sốt đất”.
Theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tại TPHCM và khu vực Đông Nam Bộ, trong quý III chỉ ghi nhận 9 dự án mở bán với nguồn cung khoảng gần 1.100 nền, giảm 65% so với quý II. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 550 nền, tương đương 52% nguồn cung mới, giảm 78% so với quý trước (mức thấp nhất kể từ đầu năm).
Diễn biến ảm đạm cũng xuất hiện tại khu vực Nam Trung Bộ. Theo thống kê của VARS, Khánh Hòa không có dự án đất nền mới mở bán trong quý III, giao dịch tập trung ở phân khúc đất nền ở vùng ven, với giá 5-6 triệu đồng/m2. Thị trường đất nền tại địa phương này ghi nhận chững lại từ đầu tháng 9 vừa qua, lượng giao dịch sụt giảm so với quý trước.
Tổng Hợp