Kênh bất động sản có thể nhanh chóng trở lại thành kênh đầu tư hấp dẫn hàng đầu do biên độ lãi cao cũng như nhu cầu thị trường lớn. Nhà đầu tư chưa đẩy mạnh giải ngân vào kênh này một phần là do các kênh khác như chứng khoán hay vàng đang hấp dẫn, trong khi số lượng dự án bất động sản mới chưa nhiều, hàng tốt không dễ kiếm.
So với 2 quý đầu năm, tình hình giao dịch bất động sản trong quý III, đặc biệt là từ tháng 8/2020 có sự cải thiện, nhưng vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, cả nước có 73.933 sản phẩm bất động sản nhà ở được chào bán trên toàn thị trường trong quý III/2020, trong đó có 46.773 căn hộ chung cư và 27.160 sản phẩm thấp tầng. Sản phẩm được chào bán chủ yếu là hàng tồn từ các quý trước, chiếm khoảng 70%). Trong khi đó, số lượng sản phẩm được mua chỉ là 26.299, bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái. Giao dịch ở 2 thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM cũng sụt giảm.
Theo dữ liệu nghiên cứu của trang rao vặt Batdongsan.com.vn, đối với nhà riêng để bán, mức độ quan tâm trong quý III/2020 tăng 25% so với quý II, nhà mặt phố tăng 19%. Tại các tỉnh phía Bắc, mức độ quan tâm đến đất thổ cư tăng 10%, đất nền dự án tăng 15%, nhà riêng giảm 12%, trong đó Vĩnh Phúc là tỉnh được quan tâm nhiều nhất, lên đến 15%; tiếp theo là Quảng Ninh 9% và Hải Phòng 1%…
Các khu đất thổ cư có mức độ quan tâm nổi bật trong quý III là huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) tăng 52% theo quý và tăng 2% theo năm; huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) tăng 30% theo quý và tăng 87% theo năm; huyện Hoài Đức (Hà Nội) tăng 9% theo quý nhưng giảm 4% theo năm; huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) tăng 111% theo quý và tăng 66% theo năm; quận Dương Kinh (Hải Phòng) tăng 25% theo quý và tăng 19% theo năm; huyện Kim Bôi (Hòa Bình) tăng 12% theo quý và tăng 61% theo năm.
Số liệu cho thấy, mặc dù dịch Covid-19 lần hai xảy ra trong quý III, nhưng nhiều người vẫn quan tâm đến kênh đầu tư bất động sản và giá các sản phẩm bất động sản tại một số thành phố lớn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, giá bất động sản tại TP.HCM tăng 15 – 20%, tại Hà Nội tăng 5 – 7%.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, nhu cầu đầu tư hiện nay đối với bất động sản giảm mạnh, hoạt động giao dịch chủ yếu là người có nhu cầu ở thực. Lãi suất cho vay mua nhà giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với tỷ suất lợi nhuận dự kiến đạt được khi đầu tư bất động sản, đặc biệt là phân khúc căn hộ. Do đó, nhà đầu tư thận trọng trong việc ra quyết định mua nhà, mà chờ đợi tín hiệu khả quan hơn từ thị trường trong thời gian tới.
Khi thị trường BĐS khó khăn chung thì người mua là đợi chờ giảm giá để sở hữu được BĐS với giá tốt được xem là tâm lý bình thường. Tuy nhiên, cũng chính điều này đã khiến giao dịch BĐS trên thị trường có phần chững lại do những “do dự” đến từ phía người mua.
Không chỉ người mua ở thực mà NĐT cũng là đối tượng trông chờ vào sự giảm giá của thị trường đến cuối năm. Câu hỏi cho thị trường BĐS lúc này là khi nào thị trường BĐS khởi sắc trở lại thì có đến 81% khách hàng cho rằng thị trường sẽ khởi sắc vào năm 2021 hoặc 2022. Điều này nói lên xu hướng tâm lý chờ đợi giảm giá ngày càng nhiều của nhà đầu tư và người mua nhà đang chờ đợi sự “xuống giá” vào cuối năm và khởi sắc vào năm sau.
Có khá nhiều trường hợp NĐT mới tham gia thị trường tiếp tục giữ tâm lý đợi chờ giá giảm thêm vào cuối năm để “xuống tiền”, ngay cả khi dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Điều này cho thấy, người mua vẫn kì vọng giá nhà sẽ giảm vào cuối năm nên chưa vội tham gia vào thị trường.
Theo khảo sát trước đó của Batdongsan.com.vn, đa số nhà đầu tư và người mua nhà vẫn có tâm lý chờ đợi thị trường BĐS sẽ giảm giá. 55% số người được hỏi cho rằng giá BĐS 3 tháng cuối năm sẽ giảm.
Theo nhận định từ giới chuyên gia, giá BĐS tại Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng vì nhiều lý do, có thể kể đến như khan hiếm nguồn cung, quỹ đất phát triển thu hẹp, giá đất phát triển dự án tăng ảnh hưởng đến tổng chi phí đầu tư của các dự án mới. Ngoài ra, môi trường kinh tế vĩ mô dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn khá lạc quan so với các nước trong khu vực, lãi suất vay vẫn giữ ở mức thấp… Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và người mua BĐS lại đang kỳ vọng ngược lại, với tâm lý chờ đợi giá BĐS giảm.
Chính bởi tâm lý không tin tưởng vào khả năng phục hồi của thị trường BĐS trong ngắn hạn nên phần lớn nhà đầu tư và người mua BĐS đều cho rằng, giá nhà thời gian tới rất khó để tiếp tục đà tăng, nhất là khi nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình tái khởi động.