Theo các tổ chức nước ngoài, mức chia sẻ 50-50 giữa nhà nước và nhà đầu tư là hợp lý, nhưng biên độ của phần tăng, giảm doanh thu nên đặt ở mức 90%-110% hoặc 85%-115%
Với các dự án lớn hàng tỷ USD, nếu hụt thu thì Chính phủ sẽ chi trả như thế nào là câu hỏi đang được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.
Cơ chế bảo lãnh doanh thu, hình thức chia sẻ rủi ro trong hợp đồng PPP được xem là cơ sở để thu hút đầu tư. Trong Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mới nhất đã bổ sung rõ cơ chế chia sẻ cả tăng và giảm doanh thu, đối tượng và điều kiện chặt chẽ hơn. Mục tiêu là để chỉ rõ đâu là rủi ro và có cơ chế chia sẻ đúng đối tượng, tránh nhà nước phải gánh vác trách nhiệm thay nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư. Đồng thời, khi hoàn thiện pháp luật, sẽ là cơ sở để nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư đối với các dự án theo hình thức PPP trong tương lai, khi nguồn ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng khó khăn.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn lo ngại về cơ chế chia sẻ rủi ro đã đặt ra này. Phát biểu tại một hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Luật PPP mới đây, TS. Park Jae Hyun, Trưởng đại diện của Cơ quan hợp tác Cơ sở Hạ tầng và Phát triển đô thị Hàn quốc tại nước ngoài (KIND) chia sẻ, đối với Hàn quốc, năm 2009, sau khi xóa bỏ chính sách bảo đảm doanh thu tối thiểu và đưa vào sử dụng cơ chế chia sẻ rủi ro, cơ chế này đang được áp dụng như một phương pháp hợp lý, mang tính hệ thống.
Nhìn vào dự thảo Luật PPP Việt Nam đang xây dựng, TS. Park Jae Hyun cho rằng cần phải thu hẹp phạm vi về mặt con số giữa 75% và 125%. Vì theo vị trưởng đại diện KIDN, khi xem lại các kinh nghiệm và các trường hợp triển khai nhiều dự án tại Hàn quốc, mức độ chia sẻ rủi ro cho dự án PPP được áp dụng khi doanh thu thực tế bằng 90% doanh thu trong kế hoạch tài chính, còn ở mức 75% như trong dự thảo luật đồng nghĩa nhà đầu tư tư nhân phải chịu rủi ro khá lớn.
“Mức giảm doanh thu này không nên để là 75% nữa mà tăng lên 85% hoặc 90%. Trái lại cũng cần có dư địa cho phần tăng mức thu hồi của nhà nước khi doanh thu tăng nên mức tiêu chuẩn để chia sẻ ở đây không phải là 125% nữa mà nên là 110% hoặc 115%”, TS. Park Jae Hyun khuyến nghị.
TS Park Jae Hyun cũng chia sẻ thêm, hiện Hàn quốc có hai hình thức trong cơ chế chia sẻ rủi ro, đó là hình thức chia sẻ rủi ro như Việt Nam đang xây dựng và hình thức lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro. Hình thức chia sẻ rủi ro được áp dụng cơ bản cho các dự án về đường sắt và đường sắt nhẹ, trong đó Chính phủ và tư nhân sẽ chia sẻ chi phí đầu tư hạ tầng và vận hành theo một tỷ lệ nhất định, đồng thời chia đều 50% cho cả hai bên khi phát sinh tổn thất và lợi nhuận.
Hình thức lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro thường áp dụng với những dự án được dự đoán có nhu cầu thấp sau khi xét đến đặc tính của dự án, những dự án cần phải giảm giá sử dụng dịch vụ, dự án giảm thiểu gánh nặng tài chính lớn (dự án môi trường, cơ sở xử lý nước thải), giúp bảo toàn số tiền hoàn trả tiền gốc và lãi của nhà đầu tư tư nhân ở một mức độ nhất định. Theo đó, tùy theo từng lĩnh vực mà loại hình của dự án cần áp dụng tỷ lệ và cơ chế chia sẻ rủi ro khác nhau
Bàn về vấn đề này, Luật sư Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty Luật Duane Morris Việt Nam cũng đồng tình với việc điều khoản soạn thảo về bảo đảm của Chính phủ về cơ chế chia sẻ rủi ro, doanh thu phải được xem xét thêm.
Theo ông Oliver Massmann, điều nhà đầu tư ngoại lo ngại là việc Chính phủ Việt Nam có dự trữ ngoại hối rất hạn chế so với những gì cần để xây dựng cơ sở hạ tầng. “Do vậy, nếu trong tương lai hình thành những dự án rất lớn và dự án báo lỗ 5 tỷ USD, Chính phủ sẽ phải trả nợ cho nhà đầu tư như thế nào?”, Tổng Giám đốc Công ty Luật Duane Morris Việt Nam nêu vấn đề.
Giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục đấu thầu, Bộ KHĐT khẳng định, cơ chế chia sẻ là 50-50. Tuy nhiên, dự thảo luật đang có vấn đề là nguồn nào để chia sẻ? Kinh nghiệm các nước lập quỹ ứng phó với rủi ro xảy ra, với Việt Nam hiện nay quỹ này chưa hiệu quả nhưng cần có để ứng phó khi rủi ro xảy ra.
Ông Trương cũng cho biết, điểm mới trong Dự thảo Luật cũng đã quy định cơ chế phần tăng, giảm doanh thu được xác định tại quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, bổ sung nội dung về kiểm soát doanh thu: định kỳ hàng năm, các bên xác nhận doanh thu thực tế của dự án PPP; định kỳ 3 năm, các bên xác định phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng của dự án PPP căn cứ số liệu hàng năm, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
“Tôn trọng hợp đồng là quan điểm đúng đắn. Luật đang được thiết kế theo hướng nội dung trong luật sẽ được cụ thể hóa trong hợp đồng và hợp đồng sẽ điều tiết quan hệ quyền lợi, nghĩa vụ giữa hai bên để đối xử. Trên quan điểm này chúng tôi sẽ tiếp thu và gia cố thêm để Luật PPP có thể hấp dẫn nhà đầu tư hơn nữa”, ông Trương nói.