Thị trường chứng khoán trong năm 2021 dù tăng kỷ lục, nhưng rủi ro thì rất nhiều. Như vậy, với kênh huy động vốn có quy mô cao gấp 6 lần, tất nhiên rủi ro của trái phiếu cũng không hề nhỏ. Trái phiếu của các công ty chưa niêm yết vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Tại Đối thoại chuyên đề “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP” vừa diễn ra vào chiều 20/1, ông Nguyễn Quang Thuân, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FiinGroup cảnh báo: Thị trường trái phiếu Việt Nam đang rất căng thẳng.
Ông Thuân phân tích: Hiện nay, mọi doanh nghiệp đều có 3 kênh huy động vốn chính là chứng khoán, trái phiếu và vốn vay từ ngân hàng. Đây là 3 kênh dẫn vốn chính, và là kiềng 3 chân của mọi nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế có thể thấy, các chỉ số chứng khoán trong năm 2021 đều tăng rất mạnh, trong đó huy động vốn từ chứng khoán đã đạt hơn 100.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục trong 25 năm hình thành thị trường chứng khoán.
Thế nhưng, nếu so với trái phiếu (hơn 600.000 tỷ đồng), thì vai trò dẫn vốn của chứng khoán chỉ bằng 1/6. Như vậy có thể thấy, trái phiếu đang là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp huy động vốn.
Theo báo cáo của Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2021, số lượng trái phiếu phát hành ra thị trường đã tăng kỷ lục, và ghi nhận mức cao chưa từng có. Cụ thể, tổng số lượng trái phiếu đã phát hành đạt trên 660.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ trái phiếu phát hành ra công chúng đạt 4,58%.
Điều này có nghĩa trái phiếu phát hành riêng lẻ gần như chiếm tuyệt đối trong tổng số lượng trái phiếu phát hành thành công trong năm 2021, tương đương trên 95%. Về cơ cấu ngành, bất động sản và ngân hàng là 2 ngành phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm 2021, mỗi ngành chiếm 35% tổng số lượng trái phiếu phát hành.
Riêng bất động sản phát hành khoảng 232.000 tỷ đồng, trong đó 60.700 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn lần 2, chiếm khoảng 26,2%. Bên cạnh đó, kỳ hạn lãi suất bình quân là 3,8%/năm, thấp hơn năm ngoái. Lãi suất bình quân trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 cũng đạt 7.75%/năm, điều chỉnh theo các ngành nghề. Trong đó, xây dựng và bất động sản là ngành có lãi suất trái phiếu cao nhất lần lượt là 10,64% và 10,36%.
Cũng theo báo cáo của VBMA, các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán phát hành trái phiếu trong năm 2021 chiếm 54,5%. Còn lại là các doanh nghiệp chưa niêm yết, chiếm 45,5%. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký VBMA cho biết: “Trái phiếu của các công ty chưa niêm yết vẫn chiếm tỷ lệ cao. Tính minh bạch trong công tác quản trị, về mặt logic, trái phiếu của các doanh nghiệp này đương nhiên sẽ không bằng các doanh nghiệp đã niêm yết”.
Tổng Hợp