Không ít nhà đầu tư “mắc kẹp” ở những điểm nóng sốt đất ảo. Một số nhà đầu tư F0 giờ đang ngồi trên đống lửa khi đã trót theo đám đông tìm đến những điểm nóng sốt đất ảo để tìm kiếm cơ hội làm giàu. “Chỉ trách mình tham”, là lời tâm sự của không ít nhà đầu tư F0 tại Tp.HCM đang ôm cả nghìn m2 đất nông nghiệp ở Hớn Quản, không kịp thoát hàng trước khi thị trường nhanh chóng trầm lắng.
báo cáo thị trường quý 1 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho thấy cơn sốt đất điên cuồng ở khắp nơi, đã kéo theo giá đất tăng chóng mặt, trung bình trong tháng 3/2021 tăng tới 10%, cục bộ có nơi tăng 2-3 lần chỉ trong vài tháng. Tuy nhiên, trong cơn sốt đất không phải nhà đầu tư nào cũng thắng, những người vào lúc tâm điểm sốt giá, không kịp thoát hàng nên rơi vào tình trạng mua đỉnh bán đáy. Cũng theo báo cáo này, một số nơi sốt ảo hiện nay đã bắt đầu hạ nhiệt, không còn cảnh tượng mua bán tấp nập theo đám đông, sang tay ồ ạt như trước. Giá đất ở nhiều điểm nóng đã chững lại.
Sốt đất chỉ xảy ra cục bộ một số nơi chứ không phải ở diện rộng, giới đầu cơ chỉ lướt sóng chứ ít hướng đến đầu tư lâu dài. Vì thế, nhiều nơi tăng giá ảo, nên khi hạ nhiệt giao dịch và giá sẽ giảm mạnh. Bởi vậy, khi giao dịch, nhà đầu tư cần kiểm tra và xác định dựa trên các giao dịch thực thay vì dựa trên các giá chào trên thị trường, không nên vội vàng, tránh tâm lý đám đông. Cần cân nhắc các yếu tố quan trọng về giá trị tài sản, cần so sánh, định giá và đánh giá đúng giá trị của lô đất. Những nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư dựa vào các đòn bẩy tài chính, cần thận trọng khi quyết định đầu tư.
Không ít nhà đầu tư F0 cũng vì đi theo sóng sốt đất, không những chẳng tìm thấy cơ hội làm giàu mà còn mất luôn cơ hội an cư. Có người liều mình ôm hết tiền tiết kiệm dành dụm cả chục năm mua nhà đi đầu tư đất và rồi giờ “mắc cạn”. Ban đầu lướt sóng vài lô đất kiếm cả trăm triệu đồng mỗi ngày. Ham làu giàu, có nhiều người đã vay mượn để đầu tư đất trong cơn sốt, bỗng dưng sốt đất hạ nhiệt nhanh chóng, trong tay lại còn nhiều lô đất chưa bán.
Tại TP Hồ Chí Minh, các điểm nóng về đất như huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh hiện tại giao dịch đã giảm, không còn sôi động như tháng 3. Dù giá chào bán đang đi ngang nhưng lượng giao dịch chốt kèo bán ra thành công rất ít. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số tỉnh vùng ven như Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Các địa phương này đang ghi nhận một số giao dịch có giá chào bán thứ cấp đi ngang so với cuối năm 2020. Một số khu vực thậm chí có giá bán giảm từ 3-5% so với mức giá thời điểm tháng 3 trước đó. Tại Bình Phước, đất ở gần sân bay Téc Níc Hớn Quản được chào bán vào cuối tháng 4/2021 với giá giảm 40-50% so với khi sốt đất nhưng cũng không có mấy giao dịch thành công.
Đầu tháng 3 năm 2021, đây là nơi được cho là có làn sóng của các “cá mập” về đây săn đất đón đầu quy hoạch sân bay Téc Níc Hớn Quản. Dù nhiều nhà đầu tư F0 hiểu rõ việc triển khai sân bay mới chỉ là đề xuất, còn nằm trên giấy thế nhưng tâm lý đám đông, đầu cơ lướt sóng mỗi ngày kiếm hàng trăm triệu, thậm chí bạc tỷ khiến không ít người lao vào cơn sốt đất này như “con thiêu thân”. Không như tính toán lướt sóng kiếm lời của nhiều người, chỉ chưa đến 2 tuần cơn sốt đất đã đột ngột hạ nhiệt và đóng băng. Có nhà đầu tư vừa xuống cọc gần 1 tỷ đồng mua lô đất rừng cao su, chưa kịp kiếm người sang nhượng thì chính quyền vào cuộc, dân đầu tư “bỏ chạy” tập thể để lại anh với cả hecta đất rừng không biết bán cho ai cùng khoản tiền không cách nào rút ra được.
Qua “cơn sốt” vừa rồi, nhiều nhà đầu tư F0 đã phải trả giá cho việc đầu tư tràn lan, thiếu kiến thức về thị trường, mua phải đất đai không giấy tờ, “giá trên giời”, nên bị “mắc cạn”. Bởi vậy, không ít người trong số này sẽ rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, đồng thời cũng sẽ xuất hiện lực lượng F0 mới, không chỉ ở trong nước mà cả Việt Kiều, thậm chí dòng vốn FDI cũng chuyển về Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Do kinh tế Việt Nam tăng trưởng thực chất; đầu tư vào hạ tầng, đô thị, công nghiệp… ở Việt Nam đang mạnh hơn so với nhiều nước khác. Lượng F0 mới này cũng sẽ rút kinh nghiệm từ bài học của F0 đi trước, đa phần sẽ tìm hiểu, cân nhắc kỹ từng phân khúc, từng khu vực trước khi xuống tiền.
Thực tế cho thấy, Covid làm nhiều ngành kinh tế bị suy giảm. Từ đó dẫn đến nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những lĩnh vực sinh lợi nhanh, mang tính ngắn hạn như: chứng khoán, đặc biệt là bất động sản gia tăng. Nguồn vốn đầu tư vào bất động sản lúc này không chỉ rút từ tiền gửi ngân hàng do lãi suất thấp; và không chỉ có nguồn vốn trong nước, kiều hối mà còn có cả tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài do hiệu quả đầu tư tại nhiều nước Châu Âu, Mỹ… đều bị ảnh hưởng. Hơn nữa, lãi suất huy động ở nhiều nước hiện bằng không, thậm chí là âm (phải trả tiền dịch vụ cho ngân hàng) nên không ít người rút vốn chuyển sang Việt Nam đầu tư.
Đó là hệ lụy khôn lường của cơn sốt đất ảo khiến không ít nhà đầu tư hiện giờ đang phải “nếm trái đắng”, bán đất đi cũng không được vì chẳng ai mua mà để đó cũng không xong.
Nhật Hạ