Trái với tâm lý hồ hởi cách đây hơn 1 tháng, một bộ phận nhà đầu tư rơi vào tình cảnh “đứng ngồi không yên” trước diễn biến của thị trường, nhất là khi khoản hàng tồn chưa có dấu hiệu tích cực thanh khoản, e ngại bất động sản đóng băng.
Chính sự nóng lên đột ngột của thị trường bất động sản trong giai đoạn cuối năm 2021 khiến các nhà đầu tư dấy lên nỗi lo ngại nguy cơ “đóng băng” của thị trường. Bởi điều này thực tế đã tái diễn như giai đoạn 2010-2011. Mặt khác, dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine đã cao song biến thể mới vẫn khiến cho nền kinh tế có thể thêm khó khăn, nhất là khi sức chống chịu đã suy giảm sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong dự báo về thị trường 2022, PGS. TS. Trần Kim Chung cho rằng biến số Covid-10 cũng là nhân tố ảnh hưởng mạnh đến thị trường bất động sản. Vị chuyên gia này đặt ra rằng, thị trường bất động sản sẽ có những diễn biến khó khăn nếu một hoặc một vài yếu tố có tính điều kiện sau xuất hiện: dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và nền kinh tế diễn biến không như mong muốn; các chính sách về đất đai, bất động sản không có chuyển biến tích cực; kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; kinh tế vĩ mô khó khăn.
“Nếu không xuống tiền nhanh thì sẽ mất cơ hội sinh lời”, đó là lời truyền tai nhau của các nhà đầu tư và môi giới. Thế nhưng, cuối năm 2010, bước sang năm 2011, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại dần và rơi vào đóng băng. Chính sách siết tín dụng cùng thông tin quy hoạch được công bố rõ ràng đã khiến thị trường rơi vào đóng băng và lao dốc nhanh chóng. Thị trường địa ốc bắt đầu xuất hiện “tử huyệt” chôn vùi khoản tiền khổng lồ của những nhà đầu tư thích đón đầu quy hoạch, “lướt sóng”. Nhìn lại kịch bản của thị trường bất động sản hiện tại với cơn sốt đất chạy theo quy hoạch, không ít nhà đầu tư, chuyên gia thận trọng dự báo về diễn biến có thể lặp lại kịch bản hơn 1 thập kỷ trước, nhưng diễn biến có thể nhẹ hơn, nhất là khi một số khu vực cũng đang tăng ảo trước thông tin quy hoạch trên thị trường.
Trước đó, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land từng chia sẻ rằng, bà lo ngại về dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ khiến chính doanh nghiệp suy yếu. Doanh nghiệp không thể có lực để phục hồi trở lại khi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đứt gãy.
Còn Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chỉ ra nhiều thách thức mà thị trường bất động sản 2022 sẽ phải đối mặt. Đầu tiên là nguồn cung tiếp tục sụt giảm do ảnh hưởng từ cách đây 2 năm. Cộng với nhiều chính sách liên quan chưa được tháo gỡ triệt để, khiến quá trình phê duyệt hồ sơ đầu tư dự án ngưng trệ. Trong khi đó, giao dịch trên thị trường đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn; tình trạng mất cân đối cung – cầu diễn ra ở nhiều đô thị lớn, khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao. Các doanh nghiệp bám trụ được cũng gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục đầu tư do thời gian phê duyệt, cấp phép xây dựng kéo dài. Do vậy, các chủ đầu tư gặp khó trong thu hồi vốn, nhưng vẫn phải “gồng” lỗ để duy trì các hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Nếu như những khó khăn thách thức của thị trường bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ thì 2022 khó có thể là một năm quá lạc quan đối với chủ thể tham gia sân chơi địa ốc.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, trong một giai đoạn dài, vấn đề thông tin ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, đây vẫn là nội dung cần tiếp tục thực hiện nâng cấp, hoàn thiện để có một hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu. Theo ông Khởi, điều này không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước có thông tin cơ bản về thị trường, về hoạt động đầu tư, kinh doanh. Từ đó, có định hướng sát thực tế trong việc hoạch định chính sách, tham mưu ban hành các cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Chỉ ra những điểm ngược của thị trường bất động sản thời gian qua, ông Khởi nói: “Trong lúc dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế có nhiều vấn đề tồn tại nhưng thị trường bất động sản tôi không biết nói là sáng hay cần quan tâm”.
Ông Khởi cũng đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn đối với thị trường bất động sản: “Có những điểm lạ, thứ nhất, tiền rất nhiều nhưng không vào nguồn cung đầu tư thị trường, vậy tiền vào chỗ nào? Dòng tiền nhiều nhưng nguồn cung vẫn thiếu. Thứ hai, nhu cầu bất động sản năm nào cũng tăng, nhưng chưa có số liệu nhu cầu thực chính xác là bao nhiêu. Nhiều nguồn tin cho rằng năm 2021, thị trường phát triển nóng không biết có đúng không? Có một số tỉnh có sự vực dậy của thị trường, nhưng như vậy có phải là đại diện cho cả nước hay không?”.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế cho rằng nếu đầu tư vào đất đai mà mang tính đầu cơ, kiếm lời là một trong những nguy cơ, ảnh hưởng tới hoạt động của nền kinh tế trong tương lai. Lượng vốn trên thị trường có hạn, nếu đầu cơ vào đất thì một số lượng tiền lớn bị găm trong đất. Dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh thiếu hụt, gây khó khăn cho đà phục hồi kinh tế. Khi nhu cầu lớn nhưng nguồn cung không đáp ứng được, người ta tranh nhau mua, tranh nhau bán… đẩy giá BĐS tăng. Trong điều kiện đó sẽ tạo ra giá ảo, về lâu dài tạo ra bong bóng BĐS.
Tổng Hợp