Khi lạm phát tỏa sức nóng hầm hập khắp nền kinh tế toàn cầu và các ngân hàng trung ương đua nhau tăng lãi suất nhằm hãm đà leo thang của giá cả, mối lo suy thoái kinh tế đang chi phối tâm lý trên thị trường tài chính. Hầu hết các lớp tài sản đều bị bán, dẫn tới một câu hỏi được đặt ra: nhà đầu tư đang lựa chọn kênh nào để rót tiền?
Trong tương quan so sánh với các kênh đầu tư khác, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Chẳng hạn, với vàng và USD không còn là ưu tiên với thế hệ nhà đầu tư trẻ của Việt Nam hiện nay. Họ có kiến thức về đầu tư và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đầu tư chứng khoán trong nhiều năm vừa qua.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng đã tăng lên mặt bằng 7-8%/năm, nhưng đà giảm của thị trường hiện nay đang mang lại nhiều hơn các cơ hội với mức sinh lời trên 20%/năm cho kỳ đầu tư 1-3 năm tới.
Trong khi đó kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn ảm đạm cho đến hết năm 2022 và sang giữa năm 2023 do những rủi ro tại một số doanh nghiệp giai đoạn vừa qua như Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát cũng khiến nhà đầu tư chùn tay. Chưa kể nghị định 65 mới ban hành sẽ siết chặt một số quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Kênh đầu tư bất động sản vẫn trong giai đoạn trầm lắng sau một thời gian dài tăng sốc suốt từ năm 2020-2021. Nhu cầu tìm mua các loại hình bất động sản đều giảm mạnh trong tháng 9/2022, lượt tìm kiếm đất nền cả nước giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25% và biệt thự liền kề giảm 12% so với giai đoạn đầu năm 2022…
Nếu tính từ đầu năm, chỉ số MSCI All Country World Index – một thước đo của chứng khoán thế giới – đã giảm gần 25%. Cùng khoảng thời gian, MSCI châu Á-Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản, giảm hơn 28%; Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 6%; S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm gần 23%; Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm hơn 16%; và Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giảm hơn 19%.
Dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy đà trượt dốc của thị trường chứng khoán đã “cuốn phăng” hơn 9 nghìn tỷ USD khỏi tài sản của các hộ gia đình ở nước này trong nửa đầu năm nay. Giá trị nắm giữ cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tương hỗ của các hộ gia đình Mỹ đã giảm còn 33 nghìn USD vào thời điểm cuối tháng 6, từ mức 42 nghìn tỷ USD vào đầu năm. Nếu tính cả thua lỗ từ trái phiếu và các kênh đầu tư tài chính khác, giới chuyên gia cho rằng người Mỹ đã mất từ 9,5-10 nghìn tỷ USD tài sản trong đầu tư tài chính trong 2 quý đầu năm.Theo quy luật thường thấy, mỗi khi cổ phiếu bị bán tháo, nhà đầu tư thường tìm đến trái phiếu chính phủ để tìm kiếm sự an toàn. Tuy nhiên, dòng vốn cũng đang chảy mạnh khỏi thị trường trái phiếu vì nhà đầu tư lo ngại rằng lạm phát tăng cao sẽ bào mòn sức hút của tài sản có thu nhập cố định này.
Lạm phát cao, lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái – trong một môi trường như vậy, cổ phiếu là kênh đầu tư bị xả đầu tiên. Dữ liệu từ Refinitiv Lipper cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 12/10, các quỹ đầu tư cổ phiếu trên toàn cầu đã bị rút vốn tuần thứ 8 liên tiếp. Trong tuần đó, nhà đầu tư đã thoái ròng 7,3 tỷ USD khỏi các quỹ cổ phiếu. Sự rút vốn diễn ra mạnh nhất ở các quỹ cổ phiếu ở châu Âu, với lượng bán ròng 7 tỷ USD. Các quỹ cổ phiếu ở Mỹ bán ròng 2 tỷ USD, còn các quỹ cổ phiếu thị trường mới nổi bị rút 2,6 tỷ USD. Riêng các quỹ cổ phiếu ở khu vực châu Á hút ròng được 410 triệu USD.
Những rủi ro vĩ mô ngoại biên gồm lạm phát gia tăng, suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam, dù tình hình tăng trưởng kinh tế đang được đánh giá là cao nhất khu vực. Chỉ số liên tục sụt giảm, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (12/10), Vn-Index rớt mạnh nhất chứng khoán thế giới với 39 điểm bị thổi bay, rơi về vùng 1.019 điểm chạm vùng đáy cũ.
Sự sụt giảm một cách “vô lý”, nếu so sánh với diễn biến tăng trưởng vĩ mô, chứng khoán đã không còn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế. Đa số nhà đầu tư chán nản, thất vọng và tín hiệu rời bỏ thị trường được phát đi khắp nơi các diễn đàn, hội nhóm, room đầu tư. Trong khi đó áp lực lãi suất ngân hàng gia tăng, thì một lượng tiền được cho là đã chảy sang kênh tiết kiệm.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu dòng tiền đã thực sự rời bỏ thị trường chứng khoán? Tính đến cuối tháng 9/2022, tại 32 công ty chứng khoán hàng đầu số dư tiền gửi của khách hàng gần 67.000 tỷ đồng. Con số này đã giảm đáng kể so với con số đầu năm 2022 là 82.059 tỷ đồng nhưng nếu so với con số của cuối quý 2/2022 là trên 70.000 tỷ đồng thì lượng sụt giảm này chỉ đâu đó khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Tức là chỉ có khoảng hơn 3.000 tỷ đồng thực sự rời bỏ thị trường chứng khoán, tìm sang các kênh đầu tư khác, còn 67.000 tỷ đồng vẫn đang chờ đợi cơ hội để sinh lời. Dù khó khăn trong ngắn hạn, nhà đầu tư cá nhân vẫn đánh giá chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn so với nhiều kênh đầu tư khác như vàng, tiền ảo, tiết kiệm ngân hàng, bất động sản…
Diễn biến trên thị trường đã phản ánh đúng tâm lý này. Sau mỗi một phiên rũ hàng thị trường, thanh khoản lại tăng vọt, nhu cầu bắt đáy luôn sẵn sàng. Đơn cử, tại phiên giao dịch 21/10 vừa qua, VN-Index rớt hơn 39 điểm đánh bay toàn bộ thành quả của cả tuần tăng. Điểm đáng chú ý thanh khoản ba sàn 17.000 tỷ đồng tăng 7.700 tỷ đồng so với phiên giao dịch trước đó chứng tỏ một lượng tiền lớn đang nằm chờ nhảy vào tìm cơ hội lướt T+.
Phiên giao dịch trước đó 11/10 tương tự. Khi chỉ số tiệm cận 1.000 điểm, lực cầu vào mạnh với thanh khoản lên tới gần 17.000 tỷ đồng trong khi những phiên trước đó chỉ “lẹt đẹt” 11.000 – 12.000 tỷ đồng. VN-Index hai phiên sau đó nảy lên khá tốt trước khi sụt giảm và luôn có một lượng tiền nhảy vào bắt đáy, tìm cơ hội.
Tổng Hợp