Với bức tranh vĩ mô ở trên, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng các nhà đầu tư không cần quá băn khoăn, có thể yên tâm với triển vọng tích cực của nền kinh tế. Các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản tiếp tục sẽ là nơi dòng vốn chảy về.
Một số nhà đầu tư trong giai đoạn này đang cân đối lại danh mục đầu tư. Đặc biệt là nhóm đang đầu tư số lượng nhiều và áp lực tài chính cao. Chính nhóm nhà đầu tư này đang tạo ra hoạt động giao dịch trên thị trường. Chưa có hiện tượng giảm giá quá sâu ở một phân khúc nào và các giao dịch bán ra cũng đạt kỳ vọng, chứ không hề có hiện tượng bán tháo, hay cắt lỗ.
Dự báo về “đợt sóng mới” sẽ không diễn ra trên diện rộng khi dịch được kiểm soát, mà có thể chỉ diễn ra ở một số phân khúc nhất định. Thực tế, có những dự án chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, thời gian phục hồi sẽ lâu hơn, chẳng hạn như BĐS nghỉ dưỡng. Những dự án đang mở bán trên thị trường sẽ phải đối mặt với nguy cơ giảm thanh khoản trong thời gian giãn cách.
Tuy nhiên, cũng sẽ có những phân khúc “ngược dòng” thị trường để đón đợt sóng nhẹ trong thời gian tới. Vốn dĩ các phân khúc này đã có “chỗ đứng” nhất định trên thị trường từ trước đến nay. Có thể kể đến như đất nền ven đô có sổ đỏ, giá mềm. Theo ghi nhận, những mảng đất có diện tích 30-100m2 ở các huyện ven TP lớn vẫn thu hút mối quan tâm của người mua ở thực và cả giới đầu tư. Phân khúc này phù hợp với tài chính của đại đa số khách hàng, trong khi biên lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, vì dịch bệnh nên thu nhập của nhóm khách hàng này cũng bị giảm sút , thị trường không được sôi động như trước đây.
Cùng với đó, căn hộ vừa túi tiền vẫn là sản phẩm “sống khoẻ” trên thị trường, hút sự quan tâm của người mua. Phần lớn giao dịch diễn ra trên thị trường thứ cấp. Mức giá chào bán tại các dự án này trên dưới 2 tỉ đồng/căn. Ngoài ra, các dự án căn hộ ở xa trung tâm đã đưa vào sử dụng từ 5-7 năm, có giá trên dưới 20 triệu đồng/m2, có thể chưa hoàn thiện pháp lý vẫn nhận được sự quan tâm của người mua thực. Dĩ nhiên, loại hình này cũng đã vô cùng khan hiếm trên thị trường.
BĐS luôn là một kênh đầu tư hàng đầu cho các nhà đầu tư tại Việt Nam so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, gửi tiết kiệm,…. Thu hút phần lớn là những nhà đầu tư cá nhân trung và dài hạn. Đối với nhà đầu tư có dòng tài chính tốt chưa mua BĐS, thì họ vẫn đang âm thầm tìm kiếm bất động sản, chờ đón cơ hội sau khi kiểm soát được dịch Covid-19. Theo chuyên gia, BĐS vẫn được kì vọng sẽ bứt phá trong giai đoạn sau dịch. Dù có nhiều biến động nhưng giá bất động sản hiện chưa sụt giảm mà vẫn đà tăng lên. Nếu kiểm soát được dịch bệnh sớm thì dự báo thị trường BĐS cuối năm sẽ có thể có đợt sóng mới. Bên cạnh các nhà đầu tư cá nhận, hiện nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn âm thầm có những động thái chuẩn bị nguồn lực, quỹ đất để làm “bệ đỡ” cho sự tăng trưởng trong thời gian tới. Đây cũng chính là dấu hiệu kích thích nhu cầu của thị trường BĐS hậu Covid-19.
Bước sang tháng thứ tư của đợt bùng phát dịch, số lượng ca mắc Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu tụt giảm đáng kể. Đặc biệt tại Tp.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, các hoạt động giãn cách xã hội chặt chẽ vẫn đang được tiến hành, nhiều doanh nghiệp đảo lộn hoạt động kinh doanh, nhiều lĩnh vực trên thị trường đóng băng cục bộ như bất động sản, dịch vụ, du lịch… Đối với các nhà đầu tư, bối cảnh này đã tạo nên một bức tranh mơ hồ. Chỉ còn vài tháng trước khi kết thúc năm 2021, nhưng sự phục hồi trước dịch bệnh và tốc độ tiêm vaccine vẫn là biến số lớn. Không ít nhà đầu tư đã lâm vào trạng thái băn khoăn, do dự với thị trường BĐS.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)