việc hút được dòng vốn ngoại hay không phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược, uy tín và nỗ lực của từng ngân hàng. Hay nói cách khác, theo chuyên gia, phải làm sao để khiến cho nhà đầu tư nhìn thấy triển vọng gia tăng lợi nhuận, việc kiểm soát rủi ro tốt, minh bạch về tài chính, phân loại nợ xấu chính xác… của ngân hàng.
Một tín hiệu đáng mừng là kết quả triển khai áp dụng chuẩn Basel II, đặc biệt là đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN trong các ngân hàng Việt Nam đã cho thấy những bước đi khả quan. Thậm chí nhiều ngân hàng đã có những kế hoạch để triển khai áp dụng Basel II theo phiên bản nâng cao, hay thí điểm Basel III.
Cùng với các tiêu chuẩn chung phải đáp ứng, từng ngân hàng cũng đã có những động thái khác nhau để đạt được mục tiêu “kéo” vốn nước ngoài về với mình. Một loạt các ngân hàng khác cũng ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao: HDBank vừa giành hai giải thưởng từ Global Brand Award – Giải thưởng Thương hiệu toàn cầu cho Ngân hàng xuất sắc nhất (Best Bank) và Ngân hàng Chuyển đổi số xuất sắc nhất (Best Digital Transformation Bank) tại Việt Nam năm 2021; Techcombank được The Asian Banker vinh danh “Ngân hàng thanh toán xuất sắc nhất Việt Nam 2021” (Best Payments Bank in Vietnam); The Asian Banker cũng trao tặng cho CEO của TPBank – lãnh đạo ngân hàng duy nhất tại Việt Nam – giải thưởng Thành tựu Lãnh đạo Đổi mới sáng tạo (Innovation Leadership Achievement Awards)…
Cùng với đó, các ngân hàng Việt Nam dần “đẹp” lên trong mắt các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Vừa qua, ngày 19/7/2021, Moody’s đánh giá xếp hạng tổ chức phát hành và tiền gửi dài hạn B1 của ABBank cao hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm cơ sở. Bên cạnh đó, Moody’s cũng đánh giá thanh khoản của ABBank là vững mạnh. Tháng 3/2021, 15 NHTM Việt Nam được Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm; tháng 5/2021, xếp hạng của TPBank và VIB theo Moody’s cũng phản ánh chất lượng tài sản của các ngân hàng này tốt và ổn định, khả năng sinh lời tốt, giá trị vốn hoá phù hợp. Tháng 6/2021, tổ chức này cũng nâng triển vọng của HDBank từ “Ổn định” lên “Tích cực”… Giới chuyên gia cho rằng, hiện các nhà băng đều nỗ lực để củng cố giá trị thương hiệu của mình, đặc biệt là việc ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 vào triển khai ngân hàng số, từ đó tạo sức hấp dẫn để có thể tìm được nhà đầu tư nước ngoài phù hợp, nhằm nâng cao năng lực tài chính và trình độ quản trị cho ngân hàng.
Thông tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) mới đây cho biết, SeABank đã ra thông báo điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 0% lên 5% từ ngày 13/8/2021. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chấp thuận cho SHB tạm khoá tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% nhằm thực hiện phương án chào bán, phát hành chứng khoán đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua theo Nghị quyết tại ĐHĐCĐ của SHB. ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 SHB đã thông qua nội dung tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu tăng thêm dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Không chỉ SHB, nhiều nhà băng cũng đã khoá room ngoại như VIB là 20,5%, HDBank tạm khoá xuống còn 21,5%… Theo các chuyên gia, động thái khóa “room” ngoại của các ngân hàng là để dành cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Thực tế, cần nhìn nhận rằng, ngay từ khi đặt ra yêu cầu tái cơ cấu hệ thống các TCTD Việt Nam, nguồn lực tài chính từ nước ngoài được xác định là quan trọng để hỗ trợ cho tiến trình này. Với mục tiêu tiệm cận các thông lệ quốc tế, phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, các nhà băng ngày càng coi trọng và lưu tâm tới việc làm sao để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo của SHB cho biết, “nhà đầu tư nước ngoài, hay nhà đầu tư chiến lược được ngân hàng lựa chọn sẽ là những đối tác có năng lực về tài chính, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản trị điều hành trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Đi cùng với đó là đáp ứng được các tiêu chí trở thành nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài theo quy định pháp luật, đồng thời phù hợp với mục tiêu chiến lược của ngân hàng, mang lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông, đối tác, khách hàng của ngân hàng”.
Một chuyên gia tài chính – ngân hàng cũng nêu quan điểm, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, ngân hàng với trách nhiệm của mình sẽ phải san sẻ một phần lợi nhuận, tiết giảm chi phí để có thêm điều kiện hỗ trợ cho khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, chưa tính tới gánh nặng trích lập dự phòng cho nợ xấu.
Tĩnh Kiên