Tâm lý lo ngại kịch bản xấu với thị trường là điều hiển nhiên nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao, nhiều quy định mới liên quan pháp lý tác động mạnh đến lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, phần lớn nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính để mua đi – bán lại bất động sản.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, thị trường giai đoạn hiện nay chưa có khả năng dẫn đến tình trạng trì trệ quá, thậm chí đóng băng mặc dù cũng có tình trạng giá bất động sản tăng nóng nhưng không tăng cao so với giai đoạn trước.
“Tôi kỳ vọng vào dấu hiệu và phục hồi tăng trưởng trở lại do tâm lý của người dân vẫn coi bất động sản là kênh đầu tư tích trữ an toàn. Dự báo cuối năm hoặc sang đầu năm 2023, thị trường có thể sẽ phục hồi và tăng trưởng dần trở lại do quá trình sàng lọc. Những nhà đầu tư yếu kém, vốn mỏng, thiếu chuyên nghiệp bị đẩy khỏi cuộc chơi”, ông Thịnh nhận định.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng đặt ra vấn đề có thể xảy ra, đó là trong tháng 10 tới, có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đến hạn phải trả lãi trái phiếu. Trường hợp doanh nghiệp không có tiền để trả, họ phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy, khó khăn dồn khó khăn.
Về phía khách hàng, ông Đính phân tích thêm: “Vì sản phẩm bất động sản có giá trị lớn, nhiều người mua cần phải vay tiền ngân hàng. Một khi tín dụng bị siết, họ cũng gặp khó khăn khi không có nguồn tiền vay để mua. Đặc biệt, nhóm công nhân thu nhập thấp, các đối tượng chính sách khác… lại càng hạn hẹp nguồn vay. Từ đây, bất động sản vừa tắc nguồn cung, vừa tắc nguồn cầu, thị trường càng đi xuống”, ông Đính nhận định.
Cơn sốt đất đã đi qua, thị trường bắt đầu trầm lắng. Những nhà đầu tư nhận ra rằng, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, không đẩy hàng sớm, nguy cơ rơi vào hàng tồn và ôm gánh nợ lãi rất dễ xảy ra. Lúc đó, phá sản có thể là kịch bản tồi tệ xuất hiện. Hiệu ứng tâm lý đẩy hàng có thể lan rộng và dần trở thành làn sóng cắt lỗ.
Nhiều chuyên gia cho rằng nhà đầu tư bất động sản đang bi quan quá vào thị trường địa ốc. Nhưng thực tế, thị trường chỉ đang trong giai đoạn điều chỉnh.
Nhà đầu tư bất động sản có nhiều năm kinh nghiệm, anh Hùng cho biết, nguy cơ “đóng băng” trong vòng 1-2 năm vẫn có thể xảy ra. Nếu thị trường “đóng băng” thì đồng nghĩa xác suất khối bất động sản “án binh bất động” hoàn toàn xảy ra và có thể kéo dài tới nhiều năm. Anh Hùng cũng cho biết anh đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng vào bất động sản mà chưa thanh khoản được.
“Mặc dù tôi không phải là nhà đầu tư bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nhưng thực tế, đã đầu tư, ai cũng vay vốn. Trong tổng số tài sản hiện có, hơn 20% bất động sản tôi vay ngân hàng. Với kịch bản lãi suất tiếp tục gia tăng, nền kinh tế “ngấm” ảnh hưởng bởi khủng hoảng và đại dịch Covid, người dân sẽ càng khó khăn về thu nhập” anh Hùng nhận định.
Anh Hùng cũng dự tính đẩy 50% lượng bất động sản đi và không kỳ vọng lãi lớn, chỉ cần đẩy được hàng để có đủ tài chính trả lãi ngân hàng đều đặn. Tuy nhiên, theo anh Hùng, thị trường trầm lắng nên việc mua bán cũng không dễ dàng. Anh kỳ vọng mọi giao dịch có thể hoàn tất vào cuối năm hoặc đầu năm sau.
Nhiều nhà đầu tư bất động sản hy vọng dịp cuối năm là thời điểm thị trường “ấm” trở lại để tranh thủ “đẩy hàng”, vì trước đó thị trường trầm lắng khiến nhà đầu tư có tâm lý lo ngại thị trường “đóng băng”.
Tổng Hợp