Trong giai đoạn có nhiều biến động kinh tế, khách hàng vốn chuộng kỳ hạn ngắn 1-3 tháng để linh hoạt nguồn vốn. Lãi suất tiết kiệm giảm, cất tiền vào đâu?
Lãi suất tiết kiệm đã liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Với kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất giảm khoảng 1 điểm % so với cuối năm ngoái, còn kỳ hạn trên 6 tháng lãi suất giảm 1-2 điểm %.
Diễn biến này, theo giới phân tích, do thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào, thậm chí dư thừa hơn trước. Bên cạnh đó, dư nợ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, cũng là một trong những yếu tố khiến việc huy động vốn không quá gắt gao. Việc giảm lãi đầu vào, cũng là cơ sở để giảm lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế theo định hướng của nhà điều hành.
Tháng 12/2022, mặt bằng lãi suất ở mức cao, với kỳ hạn 12 tháng, mặt bằng lãi suất ở trên 9%, thậm chí có ngân hàng trả lãi trên 10%. Thậm chí, chỉ cần gửi từ hạn 6-9 tháng, nhiều nhà băng cũng sẵn sàng trả mức này. Chưa kể, không ít nhà băng vẫn “vượt rào”, sẵn sàng trả thêm cho người gửi tiền nếu là khách quen, VIP…
Nhớ lại thời kỳ lãi suất cao đó, anh Cường (Hà Nội), không khỏi nuối tiếc. Với khoản tiền 600 triệu đồng, nếu gửi tại MSB hồi cuối tháng 11 năm ngoái, mỗi tháng cũng nhận lãi gần 5 triệu đồng. Đến nay, nếu gửi cũng số tiền này, tiền trả lãi được hưởng mỗi tháng chỉ còn hơn 3 triệu đồng.
Anh Hải Anh (29 tuổi, Bắc Ninh) đang làm kỹ sư tại Nhật Bản. Vài tháng, anh lại gửi tiền về, nhờ bố gửi hộ tại ngân hàng. Anh này cho biết khi đọc được tin lãi suất giảm đã nhờ gia đình ở quê đến ngân hàng hỏi tình hình. Câu trả lời anh nhận được là tiền trả lãi mỗi lần gửi sẽ ngày một ít.
Cuối tuần này, hàng loạt các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và trần huy động.
Hiện tại, nhóm big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) tiếp tục có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống. Lãi suất cao nhất của Vietcombank gửi ở quầy giữ nguyên là 7,2%/năm. Trong khi đó, Agribank, BIDV và VietinBank đều đã giảm xuống còn 6,8%/năm.
Agribank thậm chí còn giảm kỳ hạn từ 13 tháng, xuống còn 6,6%/năm. BIDV, VietinBank áp dụng mức 6,8%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Lãi suất kỳ hạn ngắn của nhóm Big 4 tiếp tục được điều chỉnh giảm xuống thấp hơn cả trần quy định, ở mức 4,1%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và 4,6%/năm kỳ hạn 3 tháng.
Các ngân hàng thương mại cũng hạ lãi suất, có nơi hạ tới 0,7 điểm %.
Hiện quy định chỉ buộc các ngân hàng phải niêm yết lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng không vượt quá 5%/năm. Dù vậy, nhiều ngân hàng giảm cả lãi suất các kỳ hạn dài. Lãi suất huy động cao nhất thị trường chỉ còn quanh mức 8,5%/năm, xuất hiện tại các nhà băng như ABBank, VietBank, GP Bank, Nam A Bank…
Trong giai đoạn có nhiều biến động kinh tế, khách hàng vốn chuộng kỳ hạn ngắn 1-3 tháng để linh hoạt nguồn vốn. Tăng trưởng GDP quý I năm nay tăng chậm lại, chỉ đạt 3,32%, theo Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, với mức giảm lãi suất mạnh như hiện nay, lãi suất tiền gửi thực dương (lãi suất gửi ngân hàng trừ đi lạm phát) ở mức rất thấp.
Thực tế, quý cuối năm ngoái, khi được hỏi về kênh đầu tư ưu tiên cho năm nay, các chuyên gia phần lớn lựa chọn gửi tiết kiệm trước môi trường đầu tư nhiều yếu tố bất định.
Tổng Hợp
(Dân Trí)