Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua giá nhà ở TPHCM vẫn âm thầm tăng, qua đó tạo nên nhiều cột mốc mới về giá. Thậm chí, khu vực vùng ven Sài Gòn cũng đua nhau tăng lên rất nhiều.
Từ cuối năm 2019 đến năm 2020, thị trường có biểu hiện chững lại ở một số phân khúc, mất cân đối cung cầu. Nguồn cung dư thừa cùng những vướng mắc về pháp lý khiến cho thị trường địa ốc đối mặt với tình trạng khó chồng khó.
Sự xuất hiện của Covid-19 tiếp tục trở thành tác nhân đẩy thị trường địa ốc vào giai đoạn “bình thường mới” cùng nhiều thách thức. Dù vậy, một số báo cáo ghi nhận nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở trung, cao cấp vẫn tăng, giá cũng vẫn tăng lên đáng kể.
Trong 5 năm qua mức giá đã tăng rất mạnh hơn 100%, tại một số khu vực đã tăng hơn 200%. Điều đáng nói, phân khúc căn hộ hạng C gần như vắng bóng trên thị trường. Năm 2016, phân khúc hạng C chỉ còn chiếm khoảng 30%, nhưng đến tháng 9/2019 gần như biến mất khỏi thị trường.
Nguyên nhân giá nhà tăng trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội môi giới Việt Nam (VARs) cho rằng, do khan hiếm nguồn hàng. Đặc biệt trong bối cảnh lượng cầu rất cao dẫn đến giá nhà tăng nhanh. Bên cạnh đó, trong khoảng 2 năm qua, tại thị trường TPHCM và Hà Nội gần như không có dự án mới được phê duyệt.
Để giải quyết tình trạng giá nhà tăng hiện này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, Nhà nước cần thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở, với thuế suất có thể bằng khoảng 15 – 20% giá đất trong bảng giá đất.
Lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng được ghi nhận có nhiều điểm tích cực khi liên tục dẫn dắt thị trường. Tình trạng sốt đất nền diễn ra nhiều địa phương mới nổi như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai… Khảo sát ghi nhận tại một số địa điểm, mức giá đất nền tăng 100 – 200% giai đoạn năm 2017 – 2018 so với thời điểm 2015.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho hay, hiện nay tại thị trường TPHCM, căn hộ 2 phòng ngủ đã có mức giá khoảng 2,5 tỷ đồng, tức 35 triệu đồng/m2. Mức giá này được xem là cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập trung bình của người dân. Đối với căn hộ dưới 2 tỷ đồng, khoảng 25 – 30 triệu đồng/m2 và nhà ở xã hội hiện nay đang dần vắng bóng trên thị trường trong vài năm qua.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng cho biết, trong điều kiện bất ổn về kinh tế, khủng hoảng…, người dân sẽ chuyển dòng tiền của họ thành những hình thức đầu tư khác để bảo đảm được tài sản và có thể kiểm soát được, trong đó vàng và bất động sản được ưu tiên lựa chọn.
Đặc biệt, ở thời kỳ bùng nổ bất động sản, giá nhà lại càng tăng nhanh hơn, khiến nhiều nhà đầu tư vẫn không theo đuổi kịp. Đến khi dịch Covid bùng phát, tưởng rằng giá nhà sẽ giảm nhưng vẫn tăng một cách âm thầm.
Kể từ năm 2014, thị trường bất động sản phục hồi và phát triển. Sự ấm lại của thị trường đến từ động thái của Nhà nước khi ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng phù hợp để kiểm soát và tạo điều kiện cho thị trường phát triển.
Từ đầu năm 2013, Chính phủ đã xác định vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang trầm lắng (2011 – 2013) là phải khắc phục được sự lệch pha cung – cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa hợp lý. Nhờ gói kích cầu 30.000 tỷ, thị trường nhà ở giá bình dân và NOXH diễn ra sôi động.
Tình hình kinh tế vĩ mô cải thiện, lãi suất thấp, sản phẩm thay đổi phù hợp với khả năng chi trả của thị trường bình dân và được phục hồi mạnh mẽ vào năm 2015 – 2016 với khối lượng bán hàng kỷ lục, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp, các chủ đầu tư địa phương ngày càng củng cố và sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài.
Là quốc gia đang trên đà tăng trưởng tốt, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong 1 thập kỷ tiếp theo nhờ làn sóng đầu tư quốc tế liên tục đổ về. Nhu cầu về nhà ở, du lịch giải trí và nghỉ dưỡng sẽ gia tăng cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều tầng lớp trung lưu và người giàu. Thị trường bất động sản Việt Nam đang có dư địa phát triển lớn.