Rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản, bao gồm cho vay chủ đầu tư bất động sản, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu bất động sản… đòi hỏi các ngân hàng phải gia tăng “bộ đệm” dự phòng rủi ro, tác động lợi nhuận.
Theo FiinGroup, mặt bằng lãi suất huy động liên tục tăng cao khiến chi phí vốn của ngân hàng bị đội lên, tỷ suất tài sản sinh lời có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3 – 6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1 – 2 quý tới.
Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên sau khi Thông tư 14/2020/TT-NHNN về giãn nợ cho cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hết hiệu lực từ tháng 6/2022.
Đồng thời, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản, bao gồm cho vay chủ đầu tư bất động sản, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu bất động sản… đòi hỏi các ngân hàng phải gia tăng “bộ đệm” dự phòng rủi ro, tác động lợi nhuận.
Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo cho thời gian tới với 56,4 – 75,4% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022; 95,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022; còn 2,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi so với năm 2022.
Lãnh đạo ACB cho biết, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023 của Ngân hàng sẽ bám sát mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 14 – 15%. Theo đó, tăng trưởng huy động thấp hơn năm qua và sát với tín dụng, ước đạt 10%; lợi nhuận trước thuế dự kiến trên 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu cụ thể phải chờ đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua vào tháng 4 tới.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của ACB, năm qua, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 17.114 tỷ đồng, tăng trưởng 42,6% so với năm 2021 và vượt 13,5% kế hoạch năm. Như vậy, mục tiêu lợi nhuận của ACB năm nay tăng trưởng khoảng 20%, chậm lại so với năm 2022.
ACB cho biết, hoạt động bán chéo sản phẩm bảo hiểm của Ngân hàng bị ảnh hưởng một phần bởi các chính sách của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, tuy nhiên không đáng lo ngại. ACB kỳ vọng mảng kinh doanh này tiếp tục tăng trưởng trên 30% hàng năm. Chất lượng tài sản của ACB vẫn thuộc Top đầu ngành, trong đó, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 là 0,74%; dự phòng bao phủ nợ xấu 155%. ACB có tỷ lệ cho vay bán lẻ (cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa) là 93%. Khả năng trả nợ của khách hàng đã quay trở lại và giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản nợ tái cơ cấu lên tới 19.100 tỷ đồng nên ACB vẫn sẽ thu hồi được tiếp nợ tái cơ cấu. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 12,8%.
Mới đây, Vietcombank đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thông tin từ hội nghị cho biết, năm nay, Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 9%; huy động vốn thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế) tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng (dự kiến 12,8%).
Tỷ lệ nợ xấu dự kiến kiểm soát dưới mức 1,5% trong năm 2023; biên lãi thuần (NIM) ước khoảng 3,24%; lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 12% so với năm 2022. Nếu mục tiêu năm 2023 đạt được thì Vietcombank sẽ tiếp tục nâng kỷ lục mới về lợi nhuận lên trên 40.000 tỷ đồng.
Năm qua, Vietcombank ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tới 39% so với năm 2021, với 36.774 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị Eximbank đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2022. Bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank cho hay, năm 2022, Ngân hàng đã vượt kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận tăng 280% so với 2021.
Trao đổi với nhà đầu tư trong buổi cập nhật kết quả kinh doanh quý IV/2022 mới đây, VPBank cho biết, định hướng của khối khách hàng cá nhân (một trong những khối kinh doanh chiến lược của Ngân hàng cho năm 2023) là ưu tiên tập trung tăng trưởng huy động, mục tiêu trên 50%, tăng trưởng CASA trên 80%, tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, hướng tới các phân khúc bền vững, tăng trưởng nguồn thu từ phí…, mũi nhọn cho tăng trưởng bền vững trung và dài hạn.
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt mức tăng trưởng 48%. Trong đó, lợi nhuận ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 24.000 tỷ đồng trước thuế, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,6%.
Với định hướng tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng ở mức 14 -14,5% trong năm nay, các nhà phân tích nhận định, khả năng lợi nhuận ngân hàng chỉ tăng khoảng 10 – 15% so với năm ngoái.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán)