Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước ví von, hiện toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”. Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Theo thống kê đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 5,3%, khá thấp so với mục tiêu 14-15%.
Nhiều ý kiến cho rằng bối cảnh nền kinh tế hiện còn nhiều khó khăn. Người dân thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn do đơn hàng hạn chế, không tìm được đầu ra. Trong khi đó, lượng tiền tại các ngân hàng thương mại huy động được là tương đối lớn, nhưng lại không thể cho vay.
Vấn đề ngân hàng “thừa tiền”, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng nguyên nhân là doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn. Hay vì, các ngân hàng đang quá “thăm dò” khi xét duyệt các khoản vay, do lo ngại về mặt rủi ro. Hoặc, khách đi vay vốn bị ép mua bảo hiểm cũng là lý do chính yếu cản trở nhu cầu vay?
Và nếu câu chuyện không cho vay được này vẫn cứ kéo dài thì hệ lụy sẽ ra sao? Tác động thế nào đến tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế từ nay đến cuối năm?
TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), sẽ chia sẻ những góc nhìn về câu chuyện “thừa tiền” của ngân hàng, đi tìm nguyên nhân của vấn đề này cũng như nêu những giải pháp để tháo gỡ. Ông Huân sẽ lý giải vì sao ngân hàng lại “mắc bệnh” thừa tiền, ở góc độ người dân, doanh nghiệp cũng như các ngân hàng thương mại. Vị chuyên gia này cũng sẽ nhận định và đưa ra “liều thuốc để chữa bệnh”, giải pháp để cung-cầu có thể gặp nhau.
Ông cũng phân tích về 2 động lực chính góp phần tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, đồng thời đánh giá hiệu quả của Thông tư 06 Ngân hàng Nhà nước mới ban hành từ đầu tháng 9 trong việc giải bài toán “ngân hàng thừa tiền”. Cũng tại Thông tư 06, ngân hàng được cho vay trả nợ ngân hàng khác. Vậy người đi vay hưởng lợi ích gì từ chính sách này và sự cạnh tranh giữa các ngân hàng ra sao, cũng sẽ được TS. Nguyễn Hữu Huân giải đáp.
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố tại buổi họp cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).
Điều đáng nói, con số trên được hình thành trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành và mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cũng đã rơi về vùng trước dịch Covid-19.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, từ tổng thể chung của nền kinh tế, cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều. Hay nói cách khác, giảm lãi suất thôi là chưa đủ, cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.
Hiểu đơn giản, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.
Theo ông Thành, đối với tín dụng, cần tính toán, đánh giá kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh…
Chung quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận, vấn đề khó nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là vấn đề thị trường. Cho nên phải mở được các thị trường cho doanh nghiệp. Bởi thị trường tắc thì không lĩnh vực nào thông được.
“Đối với việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường, phải có những giải pháp khác thường. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng can đảm lên, tiếp cận doanh nghiệp bằng xu hướng, tiềm năng tương lai… Ví dụ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo. Điều hành tín dụng nên có cách nhìn dài hạn, hướng về tương lai”, ông Thiên phát biểu.
Ông Thiên cũng đưa ra lưu ý thêm, trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo “đủ mức, đủ độ”… “Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế. Nhưng khó mới cần phải làm”.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Thương Gia)