Áp lực thanh khoản từ thị trường tiền tệ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thanh khoản và xu hướng giá trên thị trường chứng khoán bởi dòng tiền đã rút ra và không loại trừ khả năng nếu giá cổ phiếu phục hồi…
Giới phân tích tài chính nhận định, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục sử dụng đồng thời 2 công cụ là dự trữ ngoại hối, kết hợp phát hành tín phiếu và mua kỳ hạn trên thị trường mở (OMO) để ổn định tỷ giá, điều tiết và hỗ trợ thanh khoản hệ thống trước những cú sốc bên ngoài (lạm phát neo cao khiến các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục nâng lãi suất, nhất là Fed). Gần đây, hoạt động phát hành tín phiếu và mua kỳ hạn đang chiếm ưu thế.
Thực tế trên OMO các phiên gần đây cho thấy, số lượng thành viên tham gia đấu thầu ở nghiệp vụ mua kỳ hạn đều cao hơn nhiều so với số thành viên tham gia mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Số dư trên OMO và số lượng thành viên tham gia thể hiện thanh khoản của hệ thống vẫn khá căng thẳng, trong bối cảnh nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao trong mùa cao điểm kinh doanh cuối năm và nhiều ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng.
Mặt bằng lãi suất thời gian tới không dễ hạ nhiệt và sẽ phụ thuộc nhiều vào thanh khoản, đặc biệt là diễn biến giải ngân đầu tư công. Khó có thể kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước nới thêm room tín dụng trong 2 tháng cuối năm nên muốn quay được vòng vốn nhanh hơn hầu như chỉ còn giải pháp thúc đẩy đầu tư công.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối năm 2021 là 13.402.097 tỷ đồng. Lượng tiền cung ứng trong lưu thông được hút ra từ ngày 20/6 – 20/9/2022 ước khoảng 108.557 tỷ đồng. Đáng chú ý, việc này diễn ra trong bối cảnh lãi suất huy động tăng lên trên 9%/năm cho kỳ hạn dài và kịch trần 6%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng. Bên cạnh đó, áp lực đáo hạn và mua lại trái phiếu trước hạn tăng mạnh.
Công ty Chứng khoán Vietcombank ước tính, quý IV/2022 có khoảng 85.000 tỷ đồng trái phiếu do các ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản phát hành sẽ đáo hạn; khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 và 2024 khoảng 790.000 tỷ đồng.
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành thêm 1% lần thứ 2 trong năm 2022, áp dụng từ ngày 25/10. Trước khi tăng lãi suất điều hành, cơ quan này đã áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, giống như đợt điều chỉnh lãi suất điều hành giữa tháng 9/2022, khi có 5 phiên hút ròng liên tục, từ ngày 18 – 24/10 rút khỏi hệ thống ngân hàng hơn 135.500 tỷ đồng.
Trong 3 ngày sau đó (25 – 27/10), Ngân hàng Nhà nước chỉ bơm ròng khoảng 66.500 tỷ đồng (qua cả hai kênh tín phiếu và phát hành giấy tờ có giá). Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng bật tăng.
Cụ thể, lãi suất cho vay VND bình quân kỳ hạn qua đêm tăng từ mức 5,46%/năm ngày 26/10 lên 7,2%/năm; với kỳ hạn 1 tuần, lãi suất cho vay bình quân tăng từ 5,19%/năm lên 7,49%/năm; lãi suất kỳ hạn 2 tuần tăng từ 6,27%/năm lên 7,51%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng từ 6,68%/năm lên 7,91%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng lên 7,86%/năm và kỳ hạn 6 tháng tăng lên 9,3%/năm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 20/9/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 trong khi cùng thời điểm năm 2021 tổng phương tiện thanh toán tăng 4,95%. Đó là thời điểm chứng khoán rất sôi động với thanh khoản lập nhiều kỷ lục.
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%). Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%), tương đương gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn.
Như vậy, tổng phương tiện thanh toán đã thu hẹp trong quý III/2022 (trước đó, tổng phương tiện thanh toán tính đến 20/6/2022 tăng 3,3% so với cuối năm 2021). Lượng tiền trong nền kinh tế tương đương với thời điểm ngày 20/3/2022. Đây là quý đầu tiên, tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng âm trong nhiều năm.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, ông đang áp dụng hình thức đấu thầu lãi suất khoản vay giữa các chi nhánh, do không còn nhiều hạn mức tín dụng để cung ứng vốn cho khách hàng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, ngay cả với lĩnh vực sản xuất – kinh doanh. Điều này có nghĩa, không chỉ chọn lọc khách hàng tốt, mà nhà băng này ưu tiên chi nhánh cho vay được mức lãi suất cao nhất để sử dụng hạn mức tín dụng còn lại.
Ông cũng chia sẻ, trước tình hình cạn room tín dụng, ngân hàng nỗ lực thu hồi nợ, chỉ cho vay ngắn hạn để quay nhanh vòng vốn, nên việc này cũng không dễ thực hiện. Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp khó trả nợ cũ đúng hạn nên không thể vay được vốn mới, dù họ chấp nhận lãi vay cao.
Thực tế, tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến hết tháng 9 đã tăng chạm ngưỡng 11% và Ngân hàng Nhà nước kiên định room tín dụng cả năm là 14%. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, điều hành tín dụng là công cụ quan trọng để tập trung kiểm soát lạm phát năm nay và cả năm sau.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ở thời điểm này, nhu cầu vốn cho doanh nghiệp chuẩn bị các đơn hàng, kế hoạch kinh doanh phục vụ mùa vụ lễ, tết cuối năm đang rất bức thiết. Với việc room tín dụng hạn chế, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận nguồn vốn chính thức từ ngân hàng, bao gồm cả doanh nghiệp được hưởng ưu đãi từ các chính sách hỗ trợ.
Tổng Hợp