Đội đầu cơ lũng đoạn nắm được vấn đề là nguồn cung không có, nhu cầu buộc phải “chạy” về vùng ven rất cao nên tăng ôm hàng rồi sau đó thổi giá. Nguy cơ thị trường bong bóng ngày càng cao.
Ở góc độ chuyên gia, TS kinh tế Lê Xuân Nghĩa chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sốt đất hiện nay và cứ lặp đi lặp lại thời gian qua là xuất phát từ vấn đề nguồn cung. Đội đầu cơ lũng đoạn nắm được vấn đề là nguồn cung không có, nhu cầu buộc phải “chạy” về vùng ven rất cao nên tăng ôm hàng rồi sau đó thổi giá.
“Giới đầu cơ dùng mọi chiêu trò, tối đa hóa lợi ích, ôm hàng, găm hàng và dẫn đến những hậu quả tai hại cho thị trường, quy hoạch. Người mua có nhu cầu thật cũng không mua được, vì giá quá cao. Người bán thì không bán được nhưng vẫn đưa ra giá trên trời, lúc đó là bong bóng. Nguy cơ bong bóng cho thị trường ngày càng tăng”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, bong bóng bất động sản sẽ không xuất hiện trên thị trường mà chỉ cục bộ ở một số địa phương. Tại những nơi đang diễn ra “sốt đất” chủ yếu chỉ có các cò đất, đầu nậu và những nhà đầu tư không chuyên. Giá đất ở những khu vực này tăng mạnh chủ yếu là do nhóm thổi giá đất gồm cò đất và đầu nậu.
Chính vì thế mà tỷ lệ giao dịch bất động sản rất thấp. Ở những khu vực này dù có xảy ra bong bóng thì thị trường cũng khó vỡ bởi nhà đầu tư không tham gia sâu vào thị trường. Chỉ có một nhóm đối tượng nhỏ bị ảnh hưởng như cò đất, đầu nậu, đầu cơ hoặc một số người đầu tư không chuyên nghiệp. Trên thực tế, dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, căng thẳng chính trị leo thang khiến lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất, kinh doanh khiến doanh nghiệp khó khăn, thậm chí thua lỗ. Do đó, nhiều nhà đầu tư trẻ bắt đầu chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản làm đẩy thị trường dần “nóng” lên.
Trong bối cảnh thị trường BĐS liên tục chứng kiến các cơn sốt đất thời gian gần đây, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản. Chính sách này được đưa ra được kỳ vọng sẽ chống đầu cơ nhà đất, giảm giá BĐS trên thị trường. Trong khi một số ý kiến đồng thuận thì cũng có không ít ý kiến cho rằng cần xem xét thận trọng việc đánh thuế nhà đất bởi đánh thuế thời điểm này chưa thật sự phù hợp và không giải quyết được tận gốc cơn sốt bất động sản, nếu miễn cưỡng đánh thuế sẽ khiến giá nhà tăng thêm, người nghèo càng gặp khó khi tiếp cận nhà ở.
Báo cáo mới đây nhất của Hiệp hội BĐS TPHCM khẳng định, mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung-cầu. Tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn chưa được tháo gỡ đẩy giá bất động sản tăng cao, dẫn đến tình trạng đầu cơ, lướt sóng. Chính vì vậy, để hạ giá nhà, việc từ gốc cần là tăng nguồn cung, không phải là đánh thuế tạo sức nặng tâm lý ngắn hạn lên nguồn cầu.
Theo đó, giải pháp căn cơ để tạo nguồn cung trên thị là giảm bớt thủ tục pháp lý, khơi thông nguồn cung. Sản phẩm BĐS dồi dào, đa dạng sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh. Giải pháp này vừa giúp tạo lập một thị trường bất động sản ổn định vừa giúp kéo giảm giá nhà, tăng thêm cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân. Một khi thị trường ổn định, tình trạng đầu cơ sẽ được kiểm soát.
Các nhà đầu tư bất động sản cho rằng hiện nay đã có quá nhiều loại thuế khi mua/bán/cho thuê bất động sản như thuế trước bạ, thu nhập cá nhân, thuế môn bài, thuế kinh doanh cho thuê… Các loại thuế này được người kinh doanh bất động sản tính vào giá mua bán, giá cho thuê, do đó nếu có thêm khoản thuế khác thì nó cũng sẽ được đẩy vào người dùng cuối (người đi mua, người đi thuê), cũng không giúp giá bất động sản giảm. Đánh thuế cao sẽ khiến giá bán lẫn giá cho thuê bất động sản tăng, như vậy người dân càng khó tiếp cận nhu cầu nhà ở. Trong khi đó, với các nhà đầu cơ có nhiều tiền thì sắc thuế có đánh cao cũng không ảnh hưởng nhiều đến họ. Chính vì vậy, theo các chuyên gia chỉ nên đánh thuế với bất động sản không sử dụng chờ đầu cơ, tạo sự bất ổn cho thị trường.
Tổng Hợp