Năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh trong quý II, sau khi quý I đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 bởi biến chủng Omicron. Việt Nam có khả năng kiềm chế lạm phát, trong khi kinh tế có triển vọng tăng trưởng cao…
Thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng giảm điểm từ đầu tháng 4/2022 đến nay, với thanh khoản giảm mạnh. Yếu tố tích cực là khối ngoại liên tiếp mua ròng trên HOSE.
Đáng lưu ý, các thị trường trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia có mức giảm rất thấp, thậm chí thị trường Indonesia tăng điểm (xem bảng). Định giá P/E của thị trường Việt Nam ngày 15/6/2022 là 13,1 lần, thấp so với khu vực cũng như mức trung bình 10 năm (15 lần). Trong khi đó, mức tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) cao nhất trong khu vực, tính tới hết tháng 5 ở mức 7%.
Theo PSI, khả năng cao là Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 – 6,5% nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, sự phục hồi của nhóm ngành dịch vụ du lịch, ăn uống…
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2022 đạt 305 tỷ USD, tăng 16,06% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu đạt 152,8 tỷ USD, cao hơn nhập khẩu 590,4 triệu USD. Hoạt động xuất nhập khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, dù thời gian giao hàng các nguyên vật liệu đầu vào lâu hơn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng phía Trung Quốc.
Tính đến hết tháng 5/2022, tín dụng tăng 7,75%, cao hơn mức trước dịch Covid-19, dù Ngân hàng Nhà nước hút ròng tiền trên hệ thống ngân hàng qua kênh thị trường mở. Tín dụng tăng trưởng mạnh cho thấy nền kinh tế hồi phục nhanh, nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh lớn hơn nhiều những năm trước.
Mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp, dù đa số ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất huy động ở cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài để bổ sung nguồn tiền cho vay.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng cải thiện đáng kể trong nửa cuối tháng 5, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm còn 0,33%/năm, mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.
Giá dầu thô và nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào neo cao do nguồn cung khan hiếm và gián đoạn chuỗi cung ứng từ phía Trung Quốc, khiến chi phí sản xuất bị đẩy lên đáng kể. Tuy nhiên, so với Mỹ và châu Âu, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp, nhờ khả năng chủ động được các mặt hàng thiết yếu.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước chưa điều chỉnh lãi suất điều hành từ đầu năm tới nay, tức còn nhiều dư địa để nâng lãi suất giúp kiềm chế lạm phát (lãi suất điều hành có thể sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm). Dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam năm 2022 có khả năng tăng trên 5%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội.
PSI kỳ vọng, Chính phủ đẩy nhanh gói hỗ trợ kinh tế – xã hội trị giá 350.000 tỷ đồng sẽ thúc đẩy nhiều ngành kinh tế trọng yếu và đầu tư công tiếp thêm động lực cho tăng trưởng, bên cạnh đó là tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình.
Tổng Hợp