Phát biểu tại tổ ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ một vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan tới việc “nguồn thu tăng nhưng liệu có bền vững không?”.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế băn khoăn khi thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững, thu từ dầu thô vượt 21.400 tỷ đồng do cả yếu tố tăng giá và tăng sản lượng khai thác; thu sử dụng đất tăng cao, vượt dự toán hơn 74.000 tỷ đồng nhưng “đây là khoản thu không ổn định, không bền vững”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách năm 2021 là khoảng 1,56 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán, vượt 38% so với năm 2020. Trong đó, thu tiền sử dụng đất vượt 74.100 tỷ đồng, thu dầu thô vượt 21.400 tỷ đồng.
Riêng khoản thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng Tài chính cho biết, qua rà soát hoạt động chuyển nhượng bất động sản, người dân và doanh nghiệp đã kê khai giá chuyển nhượng sát với thực tế hơn. Qua đó góp phần tăng thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản quý I/2022 tăng 3.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, khi “chia lửa” tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường hồi tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ tiếp tục thanh tra những hồ sơ còn nghi vấn về việc chuyển nhượng.
Cụ thể, liên quan đến giải pháp để thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế cũng như phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ, ngành để thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian 15 ngày đầu tháng 1 năm nay, qua kiểm tra 85.000 bộ hồ sơ và cho kê khai lại, thu thuế đã tăng 222 tỷ đồng. Vì vậy, thời gian tới, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung thanh tra các hồ sơ thuế còn nghi vấn về việc chuyển nhượng không đúng với giá kê khai theo luật thuế để xử lý theo quy định, kể cả các dự án bất động sản.
Còn theo cơ quan thuế, thời gian qua căn cứ vào cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai tính thuế và tham khảo giá thực tế chuyển nhượng ở một số khu vực, vị trí tương đương đã phát hiện việc kê khai nộp thuế và yêu cầu kê khai lại, qua đó tăng thu cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Các cá nhân kê khai lại giá tăng 2 – 5 lần, cá biệt có nơi điều chỉnh tăng lên 20 – 40 lần.
“Thu từ dầu thô tăng lên là do giá dầu tăng lên. Lúc lập dự toán là 60 USD/thùng, sau đó lên 80 USD/thùng, chênh lệch 20 USD/thùng”, Bộ trưởng Tài chính lý giải.
Theo Bộ trưởng, thu từ dầu thô chỉ chiếm 2,9% trong tổng thu ngân sách, còn tiền sử dụng đất là 11,8% tổng.
Dù thừa nhận có tăng lên, song theo ông Hồ Đức Phớc, phần lớn các khoản thu vẫn từ ngoài đất và dầu thô, chứng tỏ “sức sống” của nền kinh tế.
Việc tăng trưởng thấp hơn 2% nhưng thu ngân sách vẫn vượt 16,4%, theo giải thích Bộ trưởng, là do “tăng cường thu ngân sách ở những khu vực tiềm năng lâu nay chưa thu được, ví dụ như nền tảng số, bất động sản…”.
Thảo luận ở tổ TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau đại dịch, thành phố đã phục hồi nhanh trên tất cả các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động… “Nhiều chương trình của Nhà nước, xã hội được phát động, không khí đầu tư làm ăn trên địa bàn thành phố rất đáng mừng” – Chủ tịch nước nói, đồng thời lưu ý cán bộ các cấp không chủ quan, thỏa mãn với thành tích bước đầu, bởi phía trước còn rất nhiều khó khăn.
Chủ tịch nước nêu rõ cần nhìn nhận thực chất một số vấn đề, trong đó có việc vì sao ngân sách nhà nước tăng cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch. Theo ông, đây là điều cực kỳ bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động của Covid-19, “khó khăn doanh nghiệp là không thể bàn cãi khi nền kinh tế rơi vào phong tỏa do tình hình dịch bệnh bất khả kháng”.
Về thị trường chứng khoán, Chủ tịch nước cho rằng vừa qua có nhiều yếu tố tác động khiến thị trường “bốc hơi” mạnh. Chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng, nhưng trong thời gian ngắn vốn hóa thị trường bốc hơi khoảng 50 tỷ USD, trong khi FDI tăng mạnh nhưng cũng chỉ đem vào sản xuất trên 10 tỷ USD.
Tổng Hợp