Thông tin trên được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. Nguồn lực đất đai tiếp tục đóng góp quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia khi đạt 270,13 nghìn tỷ đồng…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, năm qua, ngành tài nguyên và môi trường đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu thúc đẩy phục hồi xanh, tạo dựng nền tảng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao: Kịp thời tháo gỡ những rào cản để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân…
Bộ đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương triển khai việc tổng kết, trình Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Xây dựng trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Dự án Luật đất đai (sửa đổi) và tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội hoàn thiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức lấy ý kiến Nhân dân…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nguồn lực tài nguyên, đất đai đã được quản lý và sử dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi, tái cơ cấu nền kinh tế. Đặc biệt, phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, chủ động quỹ đất đón các làn sóng đầu tư, phát triển phục hồi sau đại dịch.
Để đảm bảo quỹ đất cho thu hút đầu tư, phát triển, toàn ngành đã tập trung triển khai Nghị quyết số 39 của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; lập Kế hoạch hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Đến nay, cả nước đã thực hiện chuyển gần 20 nghìn ha đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp; khai thác gần 30 nghìn ha đất chưa sử dụng để phát triển rừng, đưa diện tích đất có rừng lên 15.440 nghìn ha, chiếm 46,59% diện tích tự nhiên của cả nước. Kiểm tra xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích trên 10 nghìn ha.
Năm qua, nguồn thu từ tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước đóng góp 15% thu ngân sách nội địa. Mặc dù Chính phủ đã thực hiện các giải pháp miễn giảm, giãn hoãn thu tiền thuê đất, tuy nhiên nguồn lực đất đai tiếp tục đóng góp quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia đạt 270,13 nghìn tỷ, chiếm 20,09% tổng thu nội địa. Nguồn thu từ khai thác khoáng sản do các tổ chức, cá nhân nộp vào ngân sách Nhà nước là 4.115 tỷ đồng, đạt 131,5%; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,5% so với năm 2021…
Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành tài nguyên và môi trường là ngành có vai trò, vị trí rất quan trọng, không chỉ quản lý các nguồn lực, tài nguyên là đầu vào của nền kinh tế mà còn liên quan nhiều mặt đến đời sống của từng người dân, từng gia đình.
Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, ngay từ đầu, lĩnh vực tài nguyên và môi trường vừa là đối tượng, vừa là chủ thể mở đường cho nhiều chính sách đổi mới. Dù vậy, đến nay, vấn đề tài nguyên, trong đó đặc biệt là đất đai, còn hiện hữu nhiều bất cập, khó khăn, bởi vì phải giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích công cộng, doanh nghiệp và từng người dân.
Tuy nhiên, ngành tài nguyên và môi trường đã nỗ lực, trách nhiệm, trí tuệ, bám sát chủ trương của Đảng, dần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên, đất đai, môi trường. Ngành Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội xây dựng bộ Luật, hệ thống văn bản dưới luật về đất đai nhằm giải quyết triệt để những khó khăn, bất cập.
Tổng Hợp
(VnE)