Trong bối cảnh các chủ đầu tư đang đẩy mạnh ra hàng, điều được quan tâm nhất lúc này là giá bất động sản có được kéo giảm xuống trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đều có chung quan điểm rằng, giá nhà đất vẫn khó giảm.
Một loạt nhà phát triển bất động sản khác như Novaland, Nam Long, Hưng Thịnh, Phát Đạt, Danh Khôi, An Gia… đã khuấy động thị trường địa ốc vùng ven TP.HCM thời gian qua. Sự hiện diện của những chủ đầu tư này với các dự án lớn đi kèm đã thúc đẩy tâm lý mua bất động sản vùng ven trở nên mạnh mẽ hơn.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2022, thị trường ghi nhận sự cải thiện về nguồn cung ở một số phân khúc, đặc biệt là shophouse nghỉ dưỡng (tăng 26 lần so với cùng kỳ năm 2021) khi chiếm 78% tổng nguồn cung toàn thị trường và tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc.
Nguồn cung đất nền cũng tăng cao, khoảng 2,5 lần. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở khu vực TP.HCM và vùng giáp ranh vẫn duy trì ở mức thấp, nhất là phân khúc nhà ở vừa túi tiền. Các phân khúc còn lại chỉ đạt xấp xỉ 1/3 so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, một số phân khúc cũng nhận được sự quan tâm của khách hàng như căn hộ tại thị trường TP.HCM và Bình Dương, nhà gắn liền với đất (biệt thự và nhà phố/shophouse) tại thị trường Đồng Nai và Long An…
Theo báo cáo “Tiêu điểm thị trường bất động sản TP.HCM” của CBRE Việt Nam cho thấy trong Quý 1/2022, thị trường bất động sản căn hộ tại TP.HCM ghi nhận duy nhất một dự án hiện hữu mở bán giai đoạn tiếp theo với 884 sản phẩm (dự án Akari City – Quận Bình Tân), tương ứng nguồn cung mới theo quý thấp nhất kể từ năm 2013.
Ảnh hưởng của vấn đề cấp phép từ năm 2019 khiến cho quỹ đất ngày càng hạn chế và tâm lý thận trọng của thị trường sau khi trải qua hai năm dịch bệnh dẫn đến nguồn cung tạm thời bị hạn chế trong ngắn hạn.
Phân khúc cao cấp tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường kể từ năm 2020 với tỷ trọng hơn 50% nguồn cung mới. Các phân khúc từ cao cấp trở lên mở rộng địa bàn hoạt động khiến căn hộ trung cấp và bình dân dần vắng bóng tại thị trường TP.HCM, buộc người mua nhà phải chấp nhận mức giá cao hơn hoặc chuyển hướng tìm kiếm sang các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và xa hơn.
Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp đạt mức 2.390 USD/m2, tăng 3,9% theo quý và 7,8% theo năm. Mức giá trung bình tiếp tục tăng do có sự chuyển dịch cơ cấu từ bình dân, trung cấp lên cao cấp và hạng sang.
Trong quý 1/2022 toàn thị trường TP.HCM ghi nhận 1.247 căn hộ được tiêu thụ, giảm 78% so với quý trước và 53% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung mới khan hiếm là nguyên nhân chính khiến số lượng căn hộ bán được giảm, tuy nhiên tỉ lệ hấp thụ của dự án mới ở mức 90%, cho thấy lượng cầu nhà ở trên thị trường vẫn duy trì tốt.
Mặc dù quý đầu tiên của năm 2022 có số lượng chào bán ít nhưng CBRE Việt Nam ghi nhận một loạt các hoạt động khác của chủ đầu tư để chuẩn bị cho việc ra hàng trong những quý tiếp theo như giới thiệu dự án mới, tổ chức lễ ra quân, nhận giữ chỗ (Lancaster Legacy, Urban Green, The 9 Stellars, The Peak Garden). Những dự án này thu hút nhiều sự quan tâm của thị trường, đặc biệt là các dự án cao cấp và hạng sang có vị trí tốt, nằm ở khu vực đông dân cư và đầy đủ tiện ích sống. Các chủ đầu tư hiện vẫn đang tiếp cận thị trường theo hướng thăm dò và khá thận trọng.
Tuy nhiên, CBRE Việt Nam đưa ra đánh giá điều này sẽ được cải thiện trong các quý tiếp theo khi thị trường bước vào giai đoạn bình thường mới, các đường bay quốc tế được nối lại và niềm tin thị trường phục hồi, giúp nguồn cung mới bùng nổ và dự kiến đạt hơn 20.000 căn trong năm nay.
Phân khúc cao cấp và hạng sang tiếp tục là phân khúc thống trị, dẫn dắt thị trường với sự ra mắt của hàng loạt dự án tại TP. Thủ Đức, Nhà Bè, Quận 7, Bình Chánh. Giá sơ cấp trung bình sẽ tăng chậm lại tương ứng với sự chuyển dịch cơ cấu phân khúc sản phẩm tại các quận, huyện ngoài trung tâm.
Nhận định về thị trường nhà ở, theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao, CBRE Việt Nam: “Các tín hiệu tích cực từ các dự án cơ sở hạ tầng như cầu Thủ Thiêm 2, sân bay Long Thành là động lực thúc đẩy thị trường khu Đông nói riêng và TP.HCM, Đồng Nai nói chung. Bên cạnh đó, việc các chủ đầu tư đẩy mạnh mở rộng quỹ đất cho thấy định hướng phát triển của các doanh nghiệp đầu ngành cũng như triển vọng lạc quan của thị trường”.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, ước tính Quý 1/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 266.942 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, mức giảm tập trung ở nhóm các ngành dịch vụ như karaoke, vũ trường, massage, du lịch, là các nhóm ngành mở cửa hoạt động trở lại theo lội trình, vì thế, doanh thu vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra còn phải kể đến các nguyên nhân như thu nhập cũng như thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi, tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp sau thời gian đầu kết thúc giãn cách, sức mua chưa đạt như kỳ vọng.
Tổng Hợp