Nguồn cung căn hộ tại Tp.HCM tiếp tục sụt giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, nguồn cung gần như thấp nhất trong lịch sử phát triển nhà ở tại Tp.HCM khi 6 tháng đầu năm chỉ ghi nhân khoảng 6.000 căn được chào bán ra thị trường khu vực này.
Trong báo cáo của DKRA Vietnam mới đây, cho thấy, gần như tất cả các phân khúc BĐS trên thị trường đều sụt giảm nguồn cung, so với quý trước và so với cùng kì năm ngoái. Cụ thể, ở phân khúc đất nền, trong tháng 8/2021, thị trường đất nền tại Tp. HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận có 1 dự án mở bán mới. Cung cấp ra thị trường 23 sản phẩm, tỷ lệ tiêu thụ đạt 26% (khoảng 6 sản phẩm).
Ở phân khúc căn hộ, cả Tp.HCM và 4 tỉnh giáp ranh ghi nhận 4 dự án mở bán (1 dự án mới và 3 giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường khoảng 1,928 căn, gấp 2 lần so với tháng trước (1,001 căn), bằng 56% so với cùng kỳ tháng 8/2020 (3,450 căn). Tuy vậy, dù dịch bệnh, tỷ lệ tiêu thụ chung toàn thị trường phân khúc căn hộ đạt xấp xỉ 80% (khoảng 1,548 căn), gấp 2.4 lần lượng tiêu thụ tháng 7/2021 (634 căn), bằng 55% lượng tiêu thụ cùng kỳ năm trước (2,827 căn).
Mặc dù nguồn cung căn hộ mới trong tháng 8/2021 tăng mạnh so với tháng trước nhưng vẫn ở mức tương đối thấp so với cùng kỳ năm 2020. Phân khúc căn hộ hạng A dẫn dắt nguồn cung mới trong tháng. Trong khi đó, nguồn cung mới phân bổ chưa thật sự đồng đều ở các phân khúc và khu vực. Căn hộ hạng C, nhà ở vừa túi tiền tiếp tục vắng bóng trên thị trường.
Thị trường BĐS tại Hà Nội và Tp.HCM cũng như các tỉnh thành khác đang đối mặt với thách thức và khó khăn chưa từng có do dịch bệnh gây ra. Giãn cách xã hội kéo dài trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Tp.HCM và các tỉnh phía Nam, đã bước sang tháng thứ 4 làm doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, gần đây, tại Hà Nội dịch tái bùng phát, giãn cách xã hội khiến mọi hoạt động liên quan đến BĐS TP này gần như ngưng trệ.
Theo các chuyên gia, với hoạt động kinh doanh BĐS đặc thù là giao dịch trực tiếp do các yêu cầu chặt chẽ về mặt pháp lý và giá trị sản phẩm cao, vì thế việc giãn cách xã hội đã làm thị trường ngưng trệ. Tùy theo mức độ kiểm soát dịch ở các địa phương mà tình hình ngưng trệ này có thể một phần hay hoàn toàn.
Trong đó, kế hoạch triển khai thi công xây dựng các công trình gần như bị đình trệ theo. Hầu hết các công trình xây dựng đều bị ảnh hưởng tiến độ. Giá cả VLXD leo thang làm gia tăng chi phí đầu vào đáng kể cho các công trình xây dựng. Chưa kể, đại dịch cũng làm biến động nguồn lao động phục vụ cho công trường. Chính vì vậy sau khi dịch bệnh qua đi, theo các doanh nghiệp, việc tìm kiếm nhân công lao động cho các công trình xây dựng cũng là vấn đề lớn của các nhà thầu xây dựng. Công trình xây dựng ngưng hoạt động dẫn đến thực trạng, hầu hết các doanh nghiệp BĐS, kể cả doanh nghiệp lớn tại Hà Nội và Tp.HCM đều chậm tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng như đã cam kết trước đó.
CBRE thông tin, tổng nguồn cung chào bán tại thị trường trong nửa đầu năm 2021 là 5.600 căn, thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, quý II/2021, đà bán hàng được CBRE đánh giá tương đối tốt so với quý trước, có hơn 80% số căn chào bán được tiêu thụ. Tổng cộng 4.700 căn được bán, tăng 76% so với quý I/2021. Bên cạnh đó, bất chấp làn sóng dịch bệnh thứ 4 tái bùng phát, giá bất động sản không giảm. CBRE Việt Nam cho biết giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp tăng ở tất cả phân khúc, đạt mức 2.260 USD một m2, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc hạng sang và trung cấp ghi nhận mức tăng giá cao lần lượt là 9,2% và 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 8/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy, cả nguồn cung chào bán và nhu cầu tìm mua nhà đất đều tiếp tục xu hướng giảm nhưng giá bán các loại hình BĐS vẫn ghi nhận tăng.
Cụ thể, tổng lượng tin đăng chào bán BĐS tại TP.HCM trong tháng 8 vừa qua ghi nhận giảm gần 59% so với tháng 7. Lượng tin rao bán nhà riêng, nhà mặt phố giảm gần 71%, trong khi tin rao bán căn hộ chung cư trên địa bàn cũng giảm 54%. Tượng tự, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất tại TP.HCM giảm 17%, nhu cầu tìm mua căn hộ giảm 23% trong khi đất nền, đất thổ cư có lượt quan tâm giảm đến 35% so với tháng trước. Căn hộ chung cư bình dân có nguồn cung chào bán giảm mạnh nhất, lên đến 58% trong khi nguồn cung rao bán chung cư cao cấp và trung cấp cũng ghi nhận mức giảm 49%. Xét về nhu cầu giao dịch, phân khúc căn hộ trung cấp, tầm giá từ 35 -45 triệu đồng/m2 ghi nhận nhu cầu tìm mua giảm mạnh nhất trong loại hình căn hộ với mức giảm gần 29% so với tháng 7. Căn hộ cao cấp cũng có lượt tìm kiếm giảm 20%, chung cư bình dân giảm 22%.
Báo cáo thị trường BĐS quý 2/2021 của Bộ Xây dựng cũng cho thấy giá giao dịch căn hộ ở TP.HCM và Hà Nội vẫn tăng khoảng 5-7%. Thậm chí trên thị trường đã xuất hiện một số dự án ở vị trí đặc biệt trung tâm được chào bán rất cao như One Central Saigon (quận 1, TP.HCM) dự kiến giá cao kỷ lục, khoảng 650-800 triệu đồng/m2; dự án The Grand Hàng Bài có giá chào bán từ 570-700 triệu đồng/m2 . Tương tự, các công ty nghiên cứu thị trường khác như Colliers, LLS, CBRE, Savills cũng đưa ra nhận định giá BĐS khu vực TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành vùng ven hai đô thị này chưa giảm, thậm chí tăng mạnh trong thời gian đại dịch bùng phát.
Lý giải việc tăng giá bất chấp giao dịch giảm mạnh, các công ty nghiên cứu thị trường và Bộ Xây dựng đều nhận định do nguồn cung khan hiếm, cung không đủ cầu nên giá tăng. Lượng tiền dự trữ trong dân tiếp tục gia tăng, cũng như nhu cầu ngày một cao về sở hữu BĐS nhà ở nhưng việc thiếu hụt nguồn cung đang đẩy giá bán căn hộ tăng. Giá BĐS được đánh giá là đang ở mức quá cao khi đã tăng từ 3 năm trước. Hiện thị trường chứng khoán tăng phi mã, lãi suất giảm nên dòng tiền đổ vào BĐS ồ ạt, làm cho thị trường này càng hấp dẫn hơn.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)