Nguồn cung sơ cấp hạn chế và giá sơ cấp cao được dự đoán sẽ dẫn đến dịch chuyển nguồn cầu cho thị trường thứ cấp…
Để lý giải về điều này, chuyên gia của Savills cho biết trước áp lực từ việc trả lãi ngân hàng, giá thứ cấp trung bình của biệt thự và liền kề được ghi nhận giảm xuống, thậm chí có những dự án giá ghi nhận thấp hơn so với giá sơ cấp.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho biết thị trường bất động sản trong quý I/2023 ảm đạm với niềm tin của người mua thấp, nguồn cung mới hạn chế, giá cao và Tết Nguyên Đán sớm. Ngoài ra, người mua hiện nay còn quan tâm tới những vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án trước khi đưa ra quyết định.
Đại diện của Savills cũng cho biết giá sơ cấp đang ở ngưỡng rất cao. Đối với biệt thự, dù giá sơ cấp đã giảm đến 14% nhưng vẫn ở mức 111 triệu đồng/m2. Tương tự với sản phẩm liền kề, giá sơ cấp ghi nhận giảm 3% theo quý, đạt mức 167 triệu đồng/m2. Tuy nhiên sự sụt giảm này chủ yếu là do nguồn cung mới và hàng tồn kho giá thấp tại huyện Mê Linh, không phải mức giảm của thị trường.
Thực tế, giá thứ cấp trung bình trong quý I/2023 đạt mức 22 tỷ đồng/căn, thấp hơn 17% so với giá sơ cấp. Tuy nhiên, ngoài vấn đề về chi phí, đối với thị trường thứ cấp, người mua có thể chắc chắn hơn về pháp lý của dự án, bởi đa phần các dự án đã được bàn giao từ lâu, có sổ rõ ràng, từ đó tạo niềm tin đối với người mua có nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, thị trường bất động sản thứ cấp có nhiều dự án trong các khu đô thị đã xuống cấp hoặc đang bị bỏ hoang, điều này cũng ảnh hưởng đến giá cả và tình trạng giao dịch.
“Người mua đầu tư tại thời điểm trước đó thường có tâm lý giữ nhà, đến khi được giá hoặc không dùng sẽ bán, có nghĩa là căn nhà có thể đã để rất lâu hoặc xuống cấp theo góc độ cần được cải tạo. Việc này sẽ có tác động thêm đến chi phí bởi chi phí cải tạo và tu sửa cũng sẽ là các yếu tố người mua cần chú ý”, bà Hằng nhận định.
Theo Savills, từ nay tới cuối năm 2023 có khoảng 1.865 căn từ 16 dự án sẽ dự kiến tung ra và huyện Mê Linh vẫn chiếm thị phần lớn nhất đến 18%, tiếp theo là Hoài Đức với 17% và Thanh Trì với 14%. Các dòng sản phẩm này chủ yếu nằm ngoài Vành đai 3 và với nguồn cung hạn chế, giá của các dòng sản phẩm nằm trong các khu vực Vành đai 3 khó có thể giảm mạnh.
Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng cũng phản ánh về triển vọng của thị trường trong thời gian tới, mặc dù thị trường tăng trưởng chậm nhưng vẫn có những thay đổi tích cực. Giá sơ cấp biệt thự tại quận Hà Đông tăng 37%, nhà liền kề cũng tăng 26% còn shophouse tăng nhẹ 6%.
Với việc chuyển đổi cơ cấu ngành, nền kinh tế vẫn đang tiếp tục phát triển, hầu hết các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam. Mặc dù số lượng giao dịch đang giảm, nhưng nguồn cầu nhà ở cho nhu cầu ở thực vẫn ở mức cao. Đặc biệt, sự xuất hiện của những dự án mới với quy mô lớn và pháp lý rõ ràng sẽ tạo ra động lực mới cho thị trường biệt thự, nhà liền kề trong tương lai.
Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA cho biết, thị trường bất động sản nhà ở TP Hồ Chí Minh và vùng phụ cận quý I/2023 tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới, lượng tiêu thụ cũng ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, phân khúc đất nền ghi nhận 8 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 385 sản phẩm, giảm đến 79% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng tiêu thụ mới đạt 78 nền, giảm 94% so cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở tỉnh Long An và Bình Dương. Riêng TP Hồ Chí Minh “hiếm hoi” xuất hiện nguồn cung mới sau thời gian dài vắng bóng dự án, đóng góp 13,8% vào tổng cung thị trường. Mặt bằng giá bán mới trong quý có mức tăng trung bình từ 5 – 7% so với cùng kỳ 2022, tập trung ở những dự án hoàn thiện pháp lý và tiến độ hạ tầng tốt.
Thực tế, nguồn cung chịu áp lực do tâm lý thị trường ngày càng thận trọng trong bối cảnh kinh tế bất ổn và các vấn đề pháp lý kéo dài.
Đối với thị trường văn phòng, bà Thanh Phạm, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam cho rằng, quý I/2023 ghi nhận sự trở lại của các giao dịch thu hẹp và trả mặt bằng với quy mô lớn, đặc biệt đến từ nhiều doanh nghiệp là chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn về tài chính. Ngoài ra, nhiều giao dịch đang trong quá trình thương thảo cũng phải trì hoãn tạm thời do cắt giảm ngân sách hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh.
Tại TP Hồ Chí Minh, một số chủ nhà cũng chào thêm các mặt bằng đã giữ lại trong giai đoạn trước ra thị trường. Những yếu tố trên cùng với khó khăn kinh tế trước mắt đã gây áp lực lên thị trường văn phòng khi lần đầu tiên sau giai đoạn đại dịch, diện tích thuê mới rất hạn chế.
Trong khi đó, diện tích khách lại trả mặt bằng và thu hẹp tăng nhiều, dẫn đến diện tích trống của hạng A tăng 3.500 m2 và diện tích cho thuê mới của hạng B cũng chỉ hơn 2.200 m2 (đã bao gồm gần 3.800 m2 của dự án mới đi vào hoạt động). Theo đó, tỷ lệ trống văn phòng hạng A và hạng B lần lượt là 6,9% và 9,8%, tương đương với mức tăng 0,7 điểm phần trăm và 1,1 điểm phần trăm so với quý trước. Theo JLL Việt Nam, quý I/2023, thị trường căn hộ phân khúc cao (bao gồm phân khúc cao cấp, sang trọng và siêu sang) ghi nhận được 2.785 căn đã bán.
Bên cạnh yếu tố ngắn hạn này, thị trường nhìn chung đang chứng kiến nguồn cầu sụt giảm do tâm lý thị trường vẫn suy yếu, lãi suất cao kéo theo triển vọng thị trường thấp. Nhiều chủ đầu tư tiếp tục áp dụng chính sách chiết khấu, gia hạn thời gian thanh toán để thu hút người mua.
Tổng Hợp
(Dân Việt, VTV)