Trong những năm gần đây, tình trạng nợ xấu và bùng nợ đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều công ty tài chính tại Việt Nam.
Thiếu công cụ, công ty tài chính khó thu hồi nợ xấu
Tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tín dụng tiêu dùng đã tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận các khoản vay dễ dàng hơn, nhưng đồng thời cũng khiến tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu gia tăng đáng kể. Trong những năm gần đây, tình trạng nợ xấu và bùng nợ đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều công ty tài chính tại Việt Nam.
Tình trạng nợ xấu gia tăng một phần xuất phát từ hiện tượng người vay bùng nợ các công ty tài chính tiêu dùng. Theo chia sẻ của đại diện IFC Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều người có thu nhập thấp, những khách hàng chính của tín dụng tiêu dùng vào tình trạng tài chính khó khăn, giảm khả năng trả nợ, dẫn đến tình trạng chây ì không chịu trả nợ.
Bên cạnh đó, nhiều người còn chưa nhận thức đầy đủ hậu quả của việc không trả nợ, hay để nợ quá hạn nên đã cố tình “quên trả nợ”, thách thức công ty tài chính, thậm chí là hành hung cả nhân viên thu hồi nợ.
Lãnh đạo của một công ty tài chính từng phải thốt lên rằng chưa bao giờ việc thu hồi nợ lại khó khăn như hiện nay.
“Nhiều quy định pháp lý tại Việt Nam tập trung vào việc bảo vệ người vay, tránh các hành vi đòi nợ quá đà hoặc vi phạm pháp luật, nhưng lại chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của người cho vay là các tổ chức tín dụng”, vị này cho hay.
Để gỡ nút thắt trong việc xử lý, thu hồi nợ, nhiều đề xuất được đưa ra về việc mở hành lang pháp lý cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ, tạo thuận lợi hơn khi mua bán nợ hay thành lập hệ thống chấm điểm tín dụng công dân… Trong đó, nhiều công ty tài chính cho rằng, đã đến lúc cần đưa dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp hoạt động trở lại.
Liên quan tới vấn đề này, trong trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng thị trường Việt hiện đang thiếu công cụ đòi nợ chuyên nghiệp, chẳng hạn như dịch vụ xử lý nợ thuê chuyên nghiệp do chưa có hành lang pháp lý đủ đảm bảo.
“Việc chưa có hành lang pháp lý quy định về đòi nợ và dịch vụ đòi nợ thuê là một trong những nguyên nhân khiến cho các ngân hàng và công ty tài chính gặp khó khăn trong thu hồi nợ xấu. Luật Đầu tư 2020 cấm dịch vụ đòi nợ thuê, trong khi cơ chế khởi kiện đòi nợ hiện khó thực thi vì thủ tục phức tạp, kéo dài, nhưng giá trị mỗi khoản vay không lớn… từ đó dẫn đến, nợ xấu của các công ty tài chính ngày càng tăng”.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê đã hạn chế sự linh hoạt của các công ty trong việc xử lý nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động và kết quả kinh doanh của nhiều công ty tài chính.
“Thay vì thuê các đơn vị chuyên nghiệp có kinh nghiệm và năng lực trong việc thu hồi nợ, các công ty phải tự thực hiện, dẫn đến việc khó duy trì được tính chuyên nghiệp và hiệu quả.
Ngoài ra, sự thiếu hụt các quy định chi tiết liên quan đến quy trình thu hồi nợ tạo ra môi trường dễ phát sinh các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hoạt động đòi nợ trở nên biến tướng do chưa có các quy định chặt chẽ kiểm soát”.
Ông Hà nhận định, việc cân nhắc tái khởi động dịch vụ đòi nợ thuê trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang phát triển là một bước đi cần thiết. Khi nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng tăng, đặc biệt đối với những người khó tiếp cận với vốn từ hệ thống ngân hàng, dịch vụ đòi nợ thuê có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các tổ chức tài chính thu hồi các khoản nợ khó đòi.
Phát triển dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp sao cho đúng?
Tuy nhiên, để hạn chế những tiêu cực đã xảy ra trước đây, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw cho rằng, cần phải xây dựng được một hành lang pháp lý đầy đủ, tạo điều kiện cho việc thu hồi nợ hiệu quả nhưng vẫn tuân thủ pháp luật và đảm bảo tính minh bạch.
“Cơ quan nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an, cần đưa ra cơ chế giám sát nghiêm ngặt đối với các công ty cung cấp dịch vụ đòi nợ thuê. Các doanh nghiệp này phải tuân thủ nghiêm túc luật pháp, không được phép sử dụng các biện pháp bạo lực, đe dọa hay gây áp lực tinh thần đối với con nợ. Để đảm bảo sự minh bạch và giám sát hiệu quả, cần có quy trình báo cáo rõ ràng về hành vi của các công ty và các biện pháp xử lý vi phạm”, ông Hà nói.
Ngoài ra, chỉ những công ty có đủ năng lực tài chính, cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp mới nên được cấp phép hoạt động. Nhân viên tham gia vào quá trình thu hồi nợ cần được trang bị kiến thức về pháp luật và kỹ năng giao tiếp văn minh, nhằm tránh gây ra các hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Điều này cũng đòi hỏi sự phân định rõ ràng giữa các hành vi thu hồi nợ hợp pháp và những hành vi bị cấm.
Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ thống khiếu nại hiệu quả để con nợ và doanh nghiệp có thể phản ánh khi bị lạm dụng quyền lực. Các công ty vi phạm quy định phải đối mặt với các biện pháp xử phạt nghiêm khắc, từ việc tước giấy phép hoạt động cho đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quan trọng không kém, cần tách bạch giữa các khoản nợ thuộc hệ thống tài chính chính thống và các khoản vay từ các nguồn phi chính thức, như dịch vụ cầm đồ. Việc này không chỉ tạo sự minh bạch mà còn đảm bảo rằng các công ty tài chính chính thống có môi trường hoạt động lành mạnh và công bằng.
Thực tế, đòi nợ chuyên nghiệp là một lĩnh vực phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển vì tính hiệu quả của công cụ này và Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của nhiều nước phát triển.
Mỹ đã ban hành Luật Fair Debt Collection Practices Act (FDCPA) quy định chặt chẽ về hành vi thu hồi nợ hợp pháp, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khỏi các hành vi thu hồi nợ phi đạo đức.
Gần hơn với Việt Nam, Trung Quốc cũng đã xây dựng một khung pháp lý nghiêm ngặt để quản lý các công ty thu hồi nợ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Từ năm 2015, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát hoạt động thu hồi nợ thông qua Luật Tố tụng Dân sự và các quy định bảo vệ quyền riêng tư người tiêu dùng.
Các công ty phải đăng ký và chịu sự giám sát của các cơ quan tài chính nhà nước, đồng thời bị cấm sử dụng các biện pháp đe dọa, quấy rối hay bạo lực. Trung Quốc còn áp dụng “Hệ thống tín dụng cá nhân” (Social Credit System) để theo dõi hành vi tài chính của cá nhân và doanh nghiệp, tạo động lực để người vay trả nợ đúng hạn, tránh bị ảnh hưởng tiêu cực đến điểm tín dụng và các cơ hội kinh doanh trong tương lai.
Tương tự, Malaysia có hệ thống pháp lý phù hợp để quản lý dịch vụ đòi nợ. Các công ty tại đây hoạt động dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Negara Malaysia (NMB) và Bộ Phát triển Doanh nghiệp, phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và không được sử dụng các biện pháp gây áp lực không hợp pháp lên con nợ. Những vi phạm nghiêm trọng sẽ dẫn đến việc bị xử phạt hoặc mất giấy phép hoạt động. Điều này giúp tạo ra sự cân bằng giữa việc thu hồi nợ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời duy trì trật tự xã hội cũng như thúc đẩy phát triển cho vay tiêu dùng.