Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 8,2%/năm, người thu nhập thấp “mơ” cũng không mua được nhà. Người thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội…
Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến kể từ ngày 30/6/2023, lãi suất cho vay hỗ trợ chủ đầu tư ở mức 8,7%/năm (áp dụng trong 3 năm) và cho người mua nhà là 8,2%/năm (áp dụng trong 5 năm). Kể từ ngày 1/7/2023, cứ 6 tháng một lần NHNN sẽ thông báo mức lãi suất cho vay.
Theo NHNN, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn huy động của các ngân hàng, điều này thể hiện tinh thần chia sẻ của ngành ngân hàng đối với các đối tượng có nhu cầu mua nhà ở thực, cũng như góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ.
Trong đó, mỗi người mua nhà ở xã hội chỉ được vay vốn một lần để đảm bảo công bằng, bình đẳng về việc tiếp cận vốn.
Mức lãi suất NHNN công bố là 8,2%/năm, thấp hơn so với mức 10%/năm theo các chuyên gia và môi giới bất động sản phân tích trước đây. Tuy nhiên, đa số người dân lao động, người thu nhập thấp sinh sống ở Hà Nội vẫn không hào hứng vì mức lãi suất và giá nhà ở xã hội vẫn ngoài tầm với.
Anh Minh Công (tỉnh Lạng Sơn) hiện đang thuê trọ tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội cho biết hiện đang tìm hiểu một dự án nhà ở xã hội tại quận Long Biên (giá bán dự kiến trên 19 triệu đồng/m2, chưa kể phí bảo trì) và diện tích nhỏ nhất cũng 64m2, tương đương hơn 1,2 tỷ đồng/căn hộ. Với mức giá như vậy thì anh phải vay thêm 800 triệu đồng, với mức lãi suất 8,2%/năm thì phải trả cả gốc lẫn lãi hơn 9 triệu đồng/tháng.
“Cả 2 vợ chồng tôi là nhân viên văn phòng có thu nhập tổng hơn 17 triệu đồng/tháng. Cùng với việc phải nuôi con nhỏ và gửi tiền về quê cho bố mẹ già đã hết tuổi lao động thì mỗi tháng không thể để ra khoảng tiền như vậy để mua nhà”, anh Công chia sẻ.
Tương tự, anh Minh Chiến (tỉnh Yên Bái), hiện là công nhân lao động đang thuê trọ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Với mức giá gần 20 triệu đồng/m2 và giá thuê cũng gần 100 nghìn đồng/tháng/m2 tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, anh Chiến không đủ khả năng mua hay thuê nhà khi thu nhập chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng.
“Theo tôi tìm hiểu, dự án nhà ở xã hội này có căn nhỏ nhất cũng gần 70m2, như vậy mua nhà thì tôi không mơ đến được. Còn thuê nhà cũng mất gần 7 triệu đồng/tháng thì với thu nhập hiện tại tôi không thể đáp ứng. Tôi nghĩ nhà ở xã hội thì diện tích cần nhỏ hơn để phù hợp với người lao động, thu nhập thấp”, anh Chiến chia sẻ.
Theo các chuyên gia, nhà ở xã hội là dành cho người lao động có thu nhập thấp chưa có nhà để ở. Thế nên, để người dân dễ tiếp cận được thì giá bán phải thấp, do đó diện tích nhà ở xã hội không được quá lớn.
Hiện nay, nhiều dự án nhà ở xã hội nâng cao chất lượng, cùng với đó gia tăng diện tích để nâng giá bán, khiến người thu nhập thấp ngày càng khó tiếp cận.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế – tài chính cho rằng với mức giá bán nhà ở xã hội hiện nay tại Hà Nội tăng cao, trong khi nhu cầu lại lớn nên nhiều người thu nhập thấp rất khó tiếp cận. Trong khi mức lãi suất cho vay mua nhà 8,2%/năm đã giảm nhưng vẫn cao so với thu nhập của người lao động, thu nhập thấp hiện nay.
“Giá nhà ở xã hội hiện nay cũng phải theo thị trường, cùng với giá nguyên vật liệu xây dựng, nhân công cũng tăng khiến giá nhà vì thế tăng cao. Tuy nhiên, các căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội lại có diện tích lớn không cần thiết đối với những người thu nhập thấp. Do đó, nhà ở xã hội chỉ nên xây dựng với diện tích nhỏ để giảm giá thành, thì người dân mới dễ tiếp cận”, ông Thịnh nhận định.
Tổng Hợp
(Dân Việt)