Người dùng vốn vay ngân hàng mua căn hộ hình thành trong tương lai chịu nhiều sức ép. Thị trường bất động sản sẽ còn “mua dễ, bán khó”…
Trên thực tế, không chỉ những nhà đầu tư không chuyên, bối cảnh khó khăn chung trên thị trường địa ốc cũng đẩy không ít nhà đầu tư chuyên nghiệp rơi vào tình cảnh chật vật vì bị chôn vốn.
Hiện tượng bán cắt lỗ chủ yếu diễn ra ở một số người sử dụng nhiều vốn vay ngân hàng, “lướt sóng” đặt cọc sang tay hoặc mượn tiền người thân để đầu tư ngắn hạn kiếm lời. Tuy nhiên, do thanh khoản thị trường không tốt, nhóm này buộc phải giảm giá để bán ra nhanh. Trong khi đó, những nhà đầu tư không chịu áp lực tài chính thì neo giá bán ở mức cao và không chịu giảm giá.
Trong bối cảnh tín dụng bất động sản bị kiểm soát chặt, nhà đầu tư có xu hướng tập trung nhiều hơn tới các sản phẩm giàu tiềm năng trong trung – dài hạn, thay vì ngắn hạn như trước đây. Bởi khi nguồn vốn tín dụng bị hạn chế, nhà đầu tư sẽ phải “cân đo, đong đếm” kỹ hơn trong việc vay tiền đầu tư cũng như xem xét giá cả bất động sản có phù hợp với nguồn tài chính hay không. Dù vậy, thời điểm hiện tại cũng là cơ hội tốt để nhà đầu tư sở hữu được các bất động sản với giá hợp lý do thị trường có khả năng sẽ điều chỉnh nhịp tăng giá, bên cạnh những chính sách ưu đãi của chủ đầu tư để kích cầu thị trường.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thực trạng “mua dễ, bán khó” đang hiện hữu trên thị trường địa ốc. Tâm lý nhà đầu tư đang xuống thấp, người mua nhà tỏ ra dè dặt nên các dự án khó bán hàng. Hơn nữa, khi nguồn vốn tắc nghẽn sẽ dễ dẫn đến nguy cơ các dự án nhà ở hình thành trong tương lai nói riêng, thị trường bất động sản nói chung rơi vào tình trạng “nằm im, thở khẽ”. Do đó, việc mua nhà để đầu tư cần phải thận trọng, đặc biệt khi sử dụng các đòn bẩy tài chính. Dòng tiền cần chờ đợi những cơ hội thực sự an toàn trong tương lai sau khi cân nhắc kỹ càng những yếu tố vĩ mô.
Thị trường trầm lắng, lãi suất ngân hàng rục rịch tăng… đang là những yếu tố tác động tới tâm lý nhà đầu tư và kịch bản dễ xảy ra là áp lực trả nợ lớn dần buộc người nắm giữ bất động sản phải đẩy hàng đi, nhưng không dễ bán.
Về nguồn cung, có lẽ đây là điểm nghẽn lớn nhất của thị trường thời gian qua, bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao CBRE nhận định, sau 3 năm khan hiếm, nguồn cung sản phẩm ở cả Hà Nội và TPHCM sẽ dồi dào. Từ nay đến năm 2025, các chủ đầu tư sẽ đưa ra thị trường những dự án mới mà họ đã chào bán. Giá tiếp tục tăng, nhưng không quá cao.
Trong khi đó, về dòng vốn, TS Cấn Văn Lực cho biết, tổng lượng vốn tung ra thị trường BĐS trong 7 tháng đầu năm 2022 khoảng 420.000 tỉ đồng. Nếu từ nay đến cuối năm thuận lợi, lượng vốn cho thị trường bất động sản cả năm sẽ khoảng 800.000 tỉ đồng.
Đề cập xu hướng thị trường trong nửa cuối năm 2022 và những năm tới, bà Dương Thùy Dung cho rằng, thị trường có xu hướng hình thành các đô thị và đại đô thị có quy mô từ 70ha trở lên ở vùng ven. Hà Nội đang dẫn đầu hướng này nhờ khả năng kết nối tốt các khu vực vùng ven với trung tâm.
Còn tại TPHCM, đến nay mới chỉ có 2 tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây và TPHCM – Trung Lương, nên các dự án mới tập trung ở 2 đường vành đai này. Trong tương lai, xu thế các dự án sẽ mở rộng sang khu vực Đồng Nai, Long An.
Tổng Hợp