Tính đến nay, trên cả nước, 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị đã được hoàn thành. Quy mô xây dựng là khoảng 157.100 căn. Hiện vẫn thiếu hụt nguồn cung trong phân khúc này người dân vẫn xếp hàng xuyên đêm chờ nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thị trường bất động sản và tình hình phát triển nhà ở xã hội.
Bộ này cho biết, tính đến nay, trên cả nước, 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị đã được hoàn thành. Quy mô xây dựng là khoảng 157.100 căn. Tổng diện tích là hơn 7,9 triệu m2. 418 dự án, bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang tiếp tục được triển khai, quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22,5 triệu m2.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3,1 triệu m2. Hiện tại, 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8,1 triệu m2 đang tiếp tục được triển khai.
Tương tự, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4,8 triệu m2. Hiện nay, đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 14,5 triệu m2.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, tính từ đầu năm 2022 đến nay, tổng số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 20 dự án với tổng số khoảng 37.791 căn. Trong đó, nhà ở xã hội 17 dự án quy mô 34.431 căn.
Cũng tại báo cáo này, Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt các khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đơn cử, về hình thức giao đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, theo pháp luật thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính, theo báo cáo của các doanh nghiệp thì để thực hiện thủ tục này mất thời gian 1-2 năm.
Bên cạnh đó, quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai. Tình trạng này dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phức tạp, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án và làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Ngoài ra, Luật Nhà ở 2014 quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư và không khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội để cho thuê.
“Các ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại (hoặc sàn kinh doanh thương mại), được vay vốn với lãi suất ưu đãi… là không thực chất vì chủ đầu tư không được hưởng mà là người dân được hưởng do theo quy định không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội”, báo cáo của Bộ Xây dựng nêu và khẳng định, điều này dẫn đến chưa thu hút, khuyến khích được chủ đầu tư.
Đáng chú ý, giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên không thu hút được doanh nghiệp.
Tổng Hợp
(Dân Trí)