Trong khi nguồn cung nhà ở xã hội tại TPHCM đang thiếu hụt, người dân loay hoay tìm nơi ở thì tại các khu tái định cư, hàng nghìn căn hộ lại bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng trong nhiều năm.
Theo ông Nguyễn Đức Lập – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản – nhận định, khi bắt tay vào phê duyệt chủ trương đầu tư, chính quyền và doanh nghiệp đều hướng đến một vài mục tiêu nhất định. Đầu tiên sẽ là đối tượng sử dụng, khách hàng của dự án. Trong trường hợp này, các dự án tái định cư đều có chung mục tiêu là dành để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình giải phóng mặt các dự án ở mỗi khu vực địa phương.
“Trong quá trình khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, các đơn vị chịu trách nhiệm cần tính toán và dữ liệu chuẩn xác nhu cầu, nguyện vọng của người dân bị giải tỏa và định hình rõ chính sách tái định cư, hoạch định rõ tiến độ giải tỏa, tái định cư trước khi xây dựng. Tuy nhiên, nếu sai lệnh trong khâu tính toán trên thì sẽ xuất hiện tình trạng nhiều căn hộ không có người ở như hiện tại”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản nhấn mạnh nguyên nhân dẫn đến hàng nghìn căn hộ “chết đứng” sau hàng chục năm xây dựng.
Tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM), nhiều block chung cư dành để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải phóng mặt bằng tại các dự án trên địa bàn thành phố cũng trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Từng sở hữu một căn nhà mặt tiền, cùng tiệm bán phở vô cùng đắt khách tại quận 11, sau đợt giải tỏa mặt bằng, gia đình ông Lữ Quốc Hưng buộc phải bấm bụng di chuyển qua khu tái định cư Vĩnh Lộc B theo hỗ trợ của thành phố.
“Công việc làm ăn tại nơi ở cũ đang khá thuận lợi, nhưng từ khi đến đây thì không thể tiếp tục kinh doanh được nữa. Không phải mình làm biếng, cũng không phải là không đủ tiền để mở tiệm, mà là do khu vực này rất ít người sinh sống, nhắm mắt chạy cũng không đụng người”, người đàn ông gốc Sài Gòn cho biết.
Sở dĩ ông Hưng chọn mua căn hộ tại đây vì thời điểm đó ông không có nhiều tiền, phải tính toán dành dụm tiền để nuôi cho 2 con nhỏ. Nếu dùng hết số tiền đền bù để mua nhà nơi khác thì sẽ không đủ tiếp tục trang trải cuộc sống trong nhiều tháng thất nghiệp sắp tới.
Cũng chính vì khu vực không có nhiều cơ hội phát triển, nên dù đã 12 năm kể từ ngày chuyển về nhà mới, nhưng 2 vợ chồng ông Hưng vẫn thất nghiệp, chỉ sống dựa vào khoản tiền lãi ngân hàng có được khi nhận tiền bồi thường căn nhà cũ.
Mỗi ngày chở xe bánh tiêu đến góc đường gần khu tái định cư Bình Khánh, chị Nguyễn Quỳnh Trang (38 tuổi, quê ở Vĩnh Long) đều phải đợi đến giờ tan tầm, lúc học sinh trường Tiểu học An Khánh ra về thì mới có khách đến mua.
“Tôi buôn bán nhỏ lẻ nên chỉ dám nhìn các tòa đấy thôi, chứ cũng không dám mơ tới, vì không đủ kinh phí để mua và thấy ở đây cũng không phù hợp thói quen sống của mình. Tại đây cũng không ai ở nên không được bật đèn vào buổi tối, vì thế tầm 17h là tôi lật đật đẩy xe về vì ở đây tối hù, nhìn rất ghê”, chị Trang nói và không khỏi tiếc nuối khi đứng nhìn hàng nghìn căn hộ bị bỏ không.
Dự án mà chị Trang nhắc tới là khu tái định cư Bình Khánh (Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức). Từng là một trong những dự án tái định cư có quy mô lớn nhất tại TPHCM, sở hữu vị trí đắc địa trên tuyến đường Mai Chí Thọ và Lương Định Của, được hoàn thiện từ năm 2015, nhưng đến nay, hàng nghìn căn hộ tại đây vẫn không có người sinh sống.
Tuy được trang bị đầy đủ các cơ sở hiện đại, bao gồm các hạng mục khác như trường học, hồ bơi, công viên… nhưng do không có người ở lâu ngày nên chất lượng hạ tầng dần xuống cấp. Lối ra vào căn hộ bị rào kín, mỗi block đều có 1-2 bảo vệ trông coi để tránh tình trạng người dân tự ý vào trong.
Bên cạnh đó, việc tái định cư không chỉ đơn thuần là đáp ứng chỗ ở cho người dân mà còn phải đảm bảo tái tạo lại không gian sống cho cư dân với mức sống tốt hơn. Căn hộ tái định cư phải mang giá trị tương xứng hoặc đạt mức cao hơn, nhưng giá thành rẻ hơn nơi ở cũ. Đảm bảo phù hợp nếp sống của người dân bị giải tỏa, giải quyết vấn đề sinh kế, việc làm cho người dân cũng là một trong những yếu tố cần chú ý. Khi không thỏa mãn những điều này, sẽ rất khó thu hút cư dân.
Từ việc tính toán sai lệch các chỉ tiêu khi tiến hành các dự án nói chung, dự án tái định cư nói riêng, về lâu dài sẽ gây lãng phí cho nguồn lực Nhà nước. Tổn thất lớn nhất là khi nhà ở tái định cư không thu hút cư dân, làm ách tắt khâu giải phóng mặt bằng các dự án, gây kéo dài tiến độ thực hiện dự án. Các công trình xây dựng này cũng theo đó mà giảm sút giá trị, chất lượng theo thời gian và xuống cấp nhanh khi không đưa vào khai thác sử dụng. Từ đó, Nhà nước lại tốn thêm chi phí bảo trì sửa chữa.
“Để có thể hạn chế tình trạng này, việc tiến hành các dự án tái định cư cần đảm bảo tính toán, tổng hợp hài hòa các giá trị về an sinh xã hội chứ không chỉ đơn thuần là chỗ ở”, ông Lập cho hay.
Về phía chính quyền, các đơn vị này cũng cần phải xây dựng chính sách đảm bảo người dân có lợi hơn khi được tái định cư và giải thích cho người dân hiểu rõ thì mới thu hút người dân bàn giao mặt bằng, về nơi ở mới.
Với các dự án hiện hữu, cần thống kê, khoanh vùng, đánh giá lại nhu cầu của các hộ dân tái định cư để xác định chính xác quỹ căn hộ giành lại cho tái định cư. Đối với số căn hộ còn lại, xem xét chuyển thành căn hộ thương mại, tiến hành đấu giá để thu lại ngân sách phân bổ lại cho các dự án tái định cư khác, phù hợp hơn với người dân bị giải tỏa.
Việc mở rộng mô hình cho thuê căn hộ cũng là một trong những giải pháp ưu việt cho đối tượng người lao động tại TPHCM, người dân có ngân sách hạn chế, thường xuyên phải đổi môi trường để đáp ứng nhu cầu làm việc. Theo TS Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế, mô hình này hiện đang được nhiều nước trên thế giới phát triển.
“Với giải pháp này, nhà đầu tư có thể xây dựng theo dạng chung cư cho thuê, trang bị đầy đủ tiện ích, cơ sở hạ tầng và thực hiện cho thuê linh động với giá thành hợp lý, có thể kết hợp thuê – mua, tức là người dân sẽ được thuê để ở như đã thỏa thuận. Tuy nhiên, khi đã thuê dài hạn, đạt số năm nhất định, sẽ hỗ trợ cho mua lại (nếu có nhu cầu) và số tiền mua lại đó sẽ trừ khoảng thuê trước”, ông Hiển nói và cho rằng những giải pháp như vậy sẽ phù hợp và dễ tiếp cận người lao động hơn, so với việc cố xây dựng thật nhiều nhà ở xã hội nhưng không đáp ứng đủ điều kiện chất lượng.
Trong bối cảnh còn nhiều người lao động khác có nhu cầu nhà ở tốt hơn thì có thể xử lý số nhà tái định cư bỏ hoang này như thế nào? Ngoài ra, việc tái định cư nên thực hiện theo hướng nào để tránh tình trạng tương tự trong tương lai?
Tổng Hợp
(Dân Trí, Tuổi Trẻ)